Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có TS Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ...
Phát triển nhà trường trong bối cảnh đầy thách thức
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo công lập, được nâng cấp trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (thành lập năm 1959). Trường được thành lập theo Quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc UBND TP Hà Nội, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT. Hiện trường có tổng 426 biên chế, trong đó có 8 PGS, 82 tiến sĩ, 257 thạc sĩ...
Về bộ máy, ngoài Hội đồng trường và Ban giám hiệu, Trường có 4 cơ sở với 8 khoa, 6 phòng ban, 6 trung tâm, 1 đơn vị chức năng; 29 chương trình đào tạo đại học, 2 chương trình đào tại thạc sĩ, 1 chương trình đào tạo tiến sĩ; tổng sinh viên theo học tại trường là hơn 8.100 sinh viên (Cao học, ĐH, CĐ, liên thông…).
Thực hiện chiến lược xây dựng trường thành trung tâm nghiên cứu, tư vấn uy tín, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tập trung triển khai các hướng nghiên cứu trọng điểm về khoa học giáo dục, khoa học xã hội, Hà Nội học, thành phố sáng tạo. Các đề án, công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện theo hướng gắn kế chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng, giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Là cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của TP, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần được tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hà Nội, Vùng Thủ đô và cả nước.
Ngày 7/10/2022 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3624-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường ĐH Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo nhằm mục đích xin ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và các thầy cô nhằm xây dựng khung khổ, định hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2030 định hướng đến 2045.
Cần có quyết tâm thay đổi để phát triển
Góp ý về chiến lược phát triển của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao các chỉ số phát triển mà trường đề ra. Bộ GD&ĐT ủng hộ mô hình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng công tác đào tạo giáo viên của trường. Tuy nhiên, nhà trường cần hoạch định mục tiêu chiến lược gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô để xác định yêu cầu, chỉ số tương ứng.
Bên cạnh đó, trường cần nghiên cứu về các mô hình đào tạo giáo viên hiện đại, về Trung tâm nghiên cứu Khoa học giáo dục để nghiên cứu khoa học giáo dục bậc cao, hỗ trợ đào tạo giáo viên, đổi mới cách dạy cách học, hỗ trợ các cơ sở giáo dục Thủ đô....
Nhà trường nên quan tâm hơn đến chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên giỏi; tiếp tục duy trì những hình thức bồi dưỡng bắt buộc, chuyển đổi từ bồi dưỡng bắt buộc sang bồi dưỡng theo nhu cầu, từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng; đồng thời nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng… là góp ý của TS Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT).
Theo GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chìa khóa để phát triển trường đại học nói chung và ĐH Thủ đô Hà Nội nói riêng là xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu; gắn chặt mối quan hệ giữa chức năng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trường ĐH Thủ đô cũng nên tiếp tục phát huy truyền thống trong công tác đào tạo giáo viên, tự xây dựng đội ngũ bền vững bằng cách đưa giảng viên giỏi đi đào tạo nước ngoài.
GS Phùng Hữu Phú có những góp ý chi tiết về tiến trình xây dựng và phát triển ĐH Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể, nhà trường nên lấy căn cứ tiếp cận là Quy hoạch phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn 2045. Việc tiếp cận này sẽ giúp trường trả lời 3 câu hỏi: Hà Nội cần gì? ĐH Thủ đô có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và sẽ đáp ứng như thế nào?
Trường cần phân tích sâu hơn, dự báo kỹ lưỡng hơn xu hướng phát triển ĐH trong kỷ nguyên số, phải đón đầu xu thế để thiết kế mô hình ĐH phù hợp; đánh giá về thực trạng nhà trường phải đặt trong tương quan với các trường ĐH khác, trực tiếp là các ĐH trên địa bàn TP; phải xác định cái gì là lợi thế, cái gì là phi lợi thế? Từ đó chuyển hóa cái phi lợi thế và tận dụng lợi thế.
Đồng thời luôn gắn bó mật thiết với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn. Trường cũng cần làm rõ hơn bản sắc, đặc sắc của ĐH Thủ đô để tạo ra con đường mới; trong chiến lược cần nêu rõ lộ trình, bước đi; tính đến nguồn lực, điều kiện thực tế phù hợp với từng bước đi...
GS Phùng Hữu Phú đề nghị Hà Nội đưa phát triển ĐH Thủ đô trong quy hoạch phát triển GD&ĐT Thủ đô; Hà Nội phải ưu tiên đầu tư, có cơ chế đặc thù với ĐH Thủ đô thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo.
Thay mặt Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: Sau hơn 8 năm xây dựng, kiện toàn, dù đã rất nỗ lực nhưng vì nhiều lý do (cả chủ quan và khác quan), Trường ĐH Thủ đô vẫn chưa thực sự phát triển như mong muốn. Vì vậy, phải có đánh giá căn cơ để xác định đúng các giải pháp. Trong giai đoạn này, từ chỉ đạo của TƯ, Hà Nội đang thực hiện 3 nội dung quan trọng là: Quy hoạch xây dưng, quy hoạch phát triển Thủ đô và nghiên cứu tổng kết Luật Thủ đô.
Với tư cách là trường ĐH duy nhất của Hà Nội, Trường ĐH Thủ đô phải có tầm nhìn dài, có khát vọng vươn ra bên ngoài, có lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể với sự tham gia của TP. Trường cần xác định công tác đào tạo giáo viên là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời hướng đến xây dựng các trường thực hành sự phạm bởi Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư rất lớn cho ĐH Thủ đô Hà Nội trong sửa chữa, hoàn thiện, mở rộng cơ sở hạ tầng. Do vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là lãnh đạo, cán bộ nhà trường phải quyết tâm thay đổi; hoàn chỉnh chiến lược để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc, giá trị của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý và cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến để tập trung hoàn thiện, cụ thể hóa chiến lược phát triển Trường ĐH Thủ đô trong giai đoạn tới.