Xác định "thủ phạm" gây ngộ độc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc Gia đã có báo cáo kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm. Bước đầu xác định có các bào tử điển hình của Clostridium botulinum (C. botulinum) trong mẫu thịt vịt quay

Chiều 29/9, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc Gia đã có báo cáo kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm. Bước đầu xác định có các bào tử điển hình của Clostridium botulinum (C. botulinum) trong mẫu thịt vịt quay, không có trên các mẫu khác; chưa phát hiện các alkaloid độc trong các mẫu thực phẩm.

Vi khuẩn C. botulinum hình que, tạo nha bào (bào tử), sống kỵ khí, sinh độc tố, có 6 type trong đó các type A, B, E có khả năng gây bệnh cho người. Ngoại độc tố của C. botulinum cực độc, là tác nhân gây bệnh (vài phần triệu gam – nano gram). C. botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp… nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói ... nhiều tuần.

 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Bệnh do C. botulinum lưu hành trên toàn cầu. Có nhiều thể bệnh, nhưng thường gặp là ngộ độc thực phẩm do độc tố C. botulinum. Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm C. botulinum đã sinh ra độc tố hoặc do ăn uống phải thực phẩm chứa nha bào C. botulinum, khi vào đường tiêu hóa phát triển thành thể sinh dưỡng, sinh ra độc tố và gây bệnh.

Nếu thức ăn có sẵn độc tố, ủ bệnh từ vài giờ tới khoảng 24 giờ; nếu nha bào C. botulinum thì nung bệnh có thể từ 3 - 5 ngày. Bệnh khởi phát đột ngột, với những biểu hiện hội chứng viêm dạ dày – ruột cấp tính: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần đi kèm khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Giai đoạn toàn phát có những triệu chứng thần kinh điển hình: nhìn mờ, nhìn đôi, giãn đồng tử, liệt mềm cơ gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng; không có sốt và không có hội chứng màng não; người bệnh tỉnh  táo, minh mẫn. Nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Trước đó, chiều 27/9, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 9 bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc thực phẩm. Đa phần các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, khô cổ, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt, có dấu hiệu của ngộ độc thần kinh.

Đến 18h cùng ngày, các bác sĩ xác định có 3 trường hợp ngộ độc nặng phải điều trị tích cực bằng các loại máy móc, 4 trường hợp nhẹ hơn và 2 trường hợp ngộ độc nhẹ nhất có thể tự chăm sóc cho mình.

Theo thông tin ban đầu từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế Ninh Bình), các bệnh nhân nhập viện đều là con, cháu trong gia đình bà Trần Thị Cường, 73 tuổi, thôn Lý Nhân, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Các bệnh nhân cùng ăn bữa trưa tại nhà bà Cường, thức ăn gồm có thịt vịt quay, canh rau ngót, chả thịt lợn, thịt cầy, trứng rán... Đáng lưu ý, gia đình đã mua thịt vịt tươi sống tại chợ và nhờ một cửa hàng khác ướp gia vị và quay vịt.