Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 112,77 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 119,29 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 21/3/2022 với xu hướng tăng mạnh khi thị trường ghi nhận sự bế tắc của Mỹ, Anh và các nước tiêu thụ dầu lớn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu của Nga.
Chuyến thăm UAE và Saudi Arabia, 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong OPEC, của Thủ tướng Anh B. Johnson với một trong những mục tiêu là tìm kiếm nguồn cung bổ sung thay thế dầu Nga đã kết thúc mà không có bất kỳ một cam kết nào về việc tăng sản lượng.
OPEC+ cũng đã có thái độ và quan điểm rõ ràng về việc sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết về sản lượng đã thoả thuận trong nhóm, bất chấp lời kêu gọi về việc tăng sản lượng của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn.
Động lực tăng giá của dầu thô còn được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh khi các nước mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế. Trong điều kiện nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt, điều này sẽ khiến khoảng cách cung – cầu, trong đó cầu vượt cung, được dự báo sẽ ngày một lớn hơn. Điều này theo IEA có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng trên phạm vi toàn cầu.
Theo IEA, thị trường dầu thô có thể sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga bắt đầu tư tháng 4/2022. Đáng lưu ý, theo IEA, tình trạng sụt giảm nguồn cung lại lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu cao hơn. Điều này có nghĩa thị trường có nguy cơ sẽ thiếu hụt thêm 2 triệu thùng/ngày bắt đầu tư tháng 4/2022 tới.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, ngày 21/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 106,35 USD/thùng, tăng 1,65 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 109,37 USD/thùng, tăng 1,44 USD/thùng trong phiên.
Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên giao dịch sau đó khi thông tin châu Âu đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Đà tăng chỉ bị chặn lại khi khả năng châu Âu áp lệnh cấm nhập khẩu dầu tư Nga bị gạt bỏ. Giới phân tích cho rằng, việc chi phí năng lượng tăng khiến giá cả hàng hoá đắt đỏ hơn sẽ khiến các nước buộc phải sớm tính toán lại việc áp dụng các lệnh trừng phạt đối với đối với Nga, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc cung cứng các mặt hàng năng lượng của nước này.
Trên sàn New York Mercantile Exchange, đến sáng 24/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 115,97 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 122,81 USD/thùng. Giá dầu thế giới chỉ hạ nhiệt, quay đầu giảm mạnh trong phiên 25/3 khi thông tin Trung Quốc đang âm thầm mua dầu giá rẻ của Nga được phát đi.
Theo Bloomberg, thay vì tham gia các phiên đấu thầu để mua loại dầu Urals, các hãng lọc dầu Trung Quốc đang đàm phán riêng với bên bán. Thậm chí theo một nguồn tin giấu tên của Bloomberg, thì ngay cả các công ty tư nhân cũng đang âm thầm mua lượng lớn dầu giá rẻ từ Nga. Còn theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến nay Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu Urals của Nga. Indian Oil mới mua thêm 3 triệu thùng nữa trong đợt đấu thầu mới nhất
Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners Daniel Pickering, ước tính hiện có khoảng 2 – 3 triệu thùng dầu Nga bị đóng băng trên thị trường và không có người mua. Tuy nhiên, theo thời gian, ông tin rằng sẽ có thêm các quốc gia khác theo chân Trung Quốc, Ấn Độ để tranh thủ mua dầu giá rẻ từ Nga.
Tuy nhiên, diễn biến trên chỉ xảy ra trong ngắn hạn khi nguồn cung dầu trên thị trường không được cải thiện, thậm chí có chiều hướng suy giảm bởi tình trạng leo thang căng thẳng xung quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine và các cơ sở năng lượng của Saudi Arabia tiếp tục bị tấn công.