“Xanh hóa” mạng lưới xe buýt vào năm 2030
Kinhtedothi-Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của Hà Nội, TP đặt mục tiêu đến năm 2035 chuyển đổi 100% phương tiện xanh. Tuy nhiên, TP đang nỗ lực hết sức để hoàn thành sớm mục tiêu này vào năm 2030.
Mục tiêu rất lớn
Mạng lưới xe buýt Thủ đô hiện có 153 tuyến, tổng chiều dài ước tính khoảng 3.850km, năm 2024 vận chuyển hơn 227,6 triệu lượt khách, dự kiến năm 2025 có thể đạt 240 - 250 triệu lượt, tương đương trên 650 nghìn lượt/ngày.
Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 cũng đặt ra lộ trình cụ thể. Dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%.
Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Để hiện thực hóa kế hoạch hành động đó, Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống GTVT công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của TP. Trong đó cũng đưa ra lộ trình đến năm 2035 sẽ hoàn thành thay thế toàn bộ mạng lưới xe buýt bằng phương tiện xanh. Tuy nhiên, với quyết tâm rất cao, UBND TP Hà Nội đã đặt mục tiêu cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, đến năm 2030 phải chuyển đổi hoàn toàn mạng lưới xe buýt sang sử dụng phương tiện xanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh là vấn đề Hà Nội đang rất quan tâm bởi tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang ngày một nghiêm trọng. Tiến tới không chỉ có xe buýt, mà TP sẽ hướng đến chuyển đổi tổng thể tất cả các phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh, bao gồm cả taxi và phương tiện cá nhân”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, chuyển đổi mạng lưới xe buýt sang sử dụng hoàn toàn phương tiện xanh là tất yếu và cần thiết. Xe buýt xanh không chỉ có ý nghĩa với môi trường mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức hấp dẫn của vận tải công cộng đối với người dân, qua đó dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở Xây dựng Phan Trường Thành chia sẻ, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6004/QĐ - UBND về việc, phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh. Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi TP phải tập trung thực hiện những giải pháp quyết liệt, toàn diện. “Tinh thần vào cuộc quyết liệt, bứt phá của lãnh đạo TP đã lan tỏa đến tất cả các sở, ngành, DN vận tải của Hà Nội. Hiện Sở Xây dựng và các bên liên quan đang nỗ lực hết sức, tranh thủ từng ngày để Thủ đô có một mạng lưới xe buýt xanh hoàn toàn vào năm 2030 như mục tiêu đề ra” - ông Phan Trường Thành nói.
Tuy nhiên, vị đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua trên lộ trình “xanh hóa” xe buýt Thủ đô. Trong đó có 4 vấn đề lớn nhất gồm: cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, phát triển xe buýt xanh; hạ tầng kỹ thuật; nguồn vốn đầu tư; và nguồn nhân lực.
Khuyến khích tham gia đầu tư
Ông Phan Trường Thành nhận định, một trong những khó khăn lớn nhất với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang sử dụng nhiên liệu xanh là cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. TP phải có chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, Nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng và phương tiện xe buýt sử dụng điện,năng lượng xanh. Khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho DN vận tải và các đơn vị xã hội hóa đầu tư phương tiện, hạ tầng… cho xe buýt xanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã nói: “Để khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tham gia chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh thì cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy, để tiến trình chuyển đổi được diễn ra nhanh hơn”.
Thực vậy, muốn huy động được nguồn vốn đầu tư rất lớn (khoảng 48.000 tỷ đồng) cho chuyển đổi xe buýt xanh, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách tối ưu, hấp dẫn nhằm khơi thông nguồn lực xã hội hóa. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, cơ chế, chính sách là nguồn lực đầu tiên, quan trọng nhất đối với kế hoạch rất lớn mà TP đặt ra cho mạng lưới xe buýt. Trong đó cần ưu tiên xây dựng đơn giá, định mức cho các loại hình xe buýt sử dụng điện, khí CNG/LNG từ cỡ nhỏ cho đến cỡ lớn. Lấy đó làm cơ sở pháp lý để mời thầu hoặc đặt hàng các tuyến buýt xanh.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Trong giai đoạn bản lề này, Hà Nội có thể nghiên cứu tăng cường tỷ lệ các tuyến xe buýt điện đặt hàng, hoặc có những chính sách ưu đãi cho DN tiên phong chuyển đổi phương tiện như: kéo dài thời gian khấu hao phương tiện; cho vay ưu đãi; hoặc kéo dài thời gian đặt hàng, thời hạn gói thầu…”.
Đối với vấn đề hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là khả năng cung ứng điện, mở rộng các trạm sạc, tiếp liệu cho xe buýt xanh, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở Xây dựng Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, TP đã giao các sở, ngành đóng góp, xây dựng hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng theo các giai đoạn đảm bảo cung ứng đủ cho xe buýt xanh hoạt động.
Nghiên cứu xây dựng các trạm sạc điện nhanh tại các điểm đầu cuối các tuyến xe buýt, trạm sạc công cộng, trạm cung cấp nhiên liệu mới bảo đảm thuận lợi, tiện nghi cho người sử dụng, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng và nguồn lực đầu tư.
Ngành điện lực cần có phương án cung cấp, bảo đảm nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm nạp cho xe điện trên toàn mạng lưới xe buýt của TP, bảo đảm xe buýt hoạt động ổn định, không bị gián đoạn. Tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới, phương tiện, dịch vụ các tuyến bảo đảm phương tiện tối ưu khi thực hiện chuyển đổi, nhằm giảm tối đa chi phí tái cấu trúc mạng lưới các tuyến buýt. Thiết kế lại các tuyến buýt khi đưa vào đấu thầu, bảo đảm phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, khả năng hoạt động của các loại xe buýt điện, CNG/LNG.
Quy hoạch đầu mối giao thông, hệ thống bãi đỗ xe kết hợp lồng ghép yêu cầu dành một diện tích đất nhất định để quy hoạch trạm sạc điện, trạm cung cấp năng lượng xanh. Xây dựng các quy chuẩn về hạ tầng dùng chung cho hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng điện.
Các chuyên gia cho rằng, đến năm 2030 thay thế toàn bộ mạng lưới xe buýt bằng phương tiện xanh là mục tiêu đầy thách thức. Nhưng thực tế cho thấy Hà Nội đang rất quyết tâm, nỗ lực và chắc chắn sẽ đạt được kế hoạch đề ra.
Trích dẫn
Một điều kiện cũng rất quan trọng để phát triển xe buýt xanh là nguồn nhân lực. Hà Nội cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao nguồn nhân lực hiện có để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh và kết cấu hạ tầng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải

Hà Nội: xe buýt xanh thu hút hành khách
Kinhtedothi - Việc đưa tuyến xe buýt điện trung bình và nhỏ vào hoạt động thí điểm sau hơn 1 tháng đã bổ sung các loại hình buýt điện xanh thân thiện với môi trường, tiếp tục nâng cao chất lượng đoàn phương tiện xe buýt, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Sẽ có tuyến xe buýt mui trần phục vụ du lịch và kết nối sân bay
Kinhtedothi - Sở Giao thông Công chánh vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm tuyến xe buýt mui trần phục vụ du lịch và tuyến xe buýt kết nối trực tiếp các trung tâm du lịch với sân bay từ đầu năm 2025.

Hà Nội: cấp “sao” cho xe buýt xanh để nâng chất lượng phục vụ hành khách
Kinhtedothi - Dự kiến đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ hoàn thành việc chuyển đổi 100% phương tiện vận tải xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh. Cùng với đó, tiến hành cấp “sao” cho các hãng xe buýt xanh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân Thủ đô.