Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xanh hóa tạo ra lợi thế cạnh tranh và bền vững cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững cho doanh nghiệp trước khó khăn, thách thức.

Sáng 17/4, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)...

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Thách thức và cơ hội

Tại diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu. Ảnh: Khắc Kiên

Kinh tế xanh bao gồm phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Theo Tổng Giám đốc VOV, trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

“Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường" - ông Đỗ Tiến Sỹ.

Cách nào phát triển kinh tế xanh bền vững?

Tại sự kiện, các diễn giả, chuyên gia đã thảo luận bàn giải pháp tháo gỡ thách thức khó khăn, vướng mắc; đồng thời gợi mở, đề xuất những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Khắc Kiên
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Khắc Kiên

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Việt Nam luôn coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình thực hiện.

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại COP26, Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Bà Yên đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh như cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho quá trình xây dựng kinh tế xanh, chuyển đổi xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án xanh.

Tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức và tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…

Tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững, thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường.

Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu.