Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên: Không hạ cốt đê Hữu Hồng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa trình lên UBND TP bản thiết kế cơ sở cầu vượt nút giao An Dương -Thanh Niên đã được cơ quan chức năng và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi thẩm định. Đại diện Ban QLDA khẳng định, không có chuyện hạ cốt đê mà chỉ thay thế đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép.

Công trình cấp bách
Cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên là một trong 8 công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội; được lên phương án xây dựng nhằm giải quyết UTGT cho 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Bởi tính cấp thiết của công trình nên Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho TP áp dụng cơ chế đặc thù, chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, nếu được thông qua các thủ tục liên quan, công trình sẽ được khởi công trong tháng 7 tới. “Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc tổ chức giao thông, giải tỏa ách tắc cho khu vực cũng như tăng cường tính kết nối và hiệu quả khai thác mạng lưới giao thông đô thị của Hà Nội nói chung” - ông Tuấn nhấn mạnh.
 Nút giao Thanh Niên - Nghi Tàm - An Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng.

Trên thực tế, nút giao An Dương - Thanh Niên có mật độ giao thông rất lớn; các luồng lưu thông từ Yên Phụ, An Dương, Thanh Niên, Nghi Tàm luân chuyển qua đây thường xuyên lâm vào cảnh ùn ứ giao thông nghiêm trọng; ảnh hưởng lan tỏa đến cả khu vực lân cận. Mặt khác, đoạn đê Hữu Hồng vuốt nối từ cửa khẩu An Dương lên đường Yên Phụ đã tạo thành con dốc cao chạy dài, gây khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khu vực cư dân bên ngoài đê cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đường nội bộ nối thông vào nút giao vừa chật hẹp vừa có độ dốc lớn, mặt đê cao ngang mái tầng 1 nhà dân. Chị Ngô Thị Thu (An Dương) cho biết: “Mỗi ngày đi từ nhà ra đến nút giao rồi vượt qua nút giao, thời gian đôi khi còn dài hơn từ nút giao đến nơi làm việc. Khu vực này thường xuyên ùn tắc mà rất nguy hiểm, nhất là do các phương tiện từ dốc cao đường Yên Phụ đổ xuống nút giao”. Đại diện Ban QLDA thông tin thêm, dự án vừa khắc phục tình trạng UTGT tại nút giao An Dương - Thanh Niên, tạo thuận lợi cho việc kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân tới Sân bay Nội Bài. Mặt khác còn góp phần cải thiện mỹ quan đô thị do hình thành được tuyến phố từ Cửa khẩu An Dương đến Khách sạn Thắng Lợi.

Cao trình đê được giữ nguyên

Đại diện Ban QLDA cho hay, do tính chất quan trọng của dự án, vừa triển khai xây dựng cầu vượt để chống UTGT, vừa kết hợp thay thế một phần đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép, nên Ban QLDA đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án thiết kế và gửi lấy ý kiến đóng góp của các bộ, sở, ngành địa phương liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Trên cơ sở góp ý của các đơn vị và giới chuyên gia, hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án đã được tư vấn thiết kế hoàn chỉnh, được các cơ quan chuyên môn và tư vấn cá nhân thẩm tra kỹ lưỡng. Giám đốc Ban QLDA Phạm Hoàng Tuấn một lần nữa nhấn mạnh: “Không có chuyện hạ cốt đê mà chỉ là thay thế đê đất cũ bằng tường chắn bê tông cốt thép. Chúng tôi cam kết chức năng và cao trình đê sẽ được giữ nguyên nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ lụt”.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê. Phía Bộ NN&PTNT cũng không chấp thuận hạ cốt đê mà chỉ đồng ý thay đổi kết cấu đê. Gần đây có một số thông tin cho rằng Hà Nội đề xuất hạ cốt đê là chưa chính xác và khiến người dân hiểu lầm, từ đó phát sinh dư luận phản ứng. Ông Hoài chia sẻ thêm, chuyển từ đê đất sang đê bê tông vừa đảm bảo nhiệm vụ chống lũ, vừa kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô. Trên thực tế, ngay trên địa bàn Hà Nội, đoạn đê con đường gốm sứ cũng đã thay đổi kết cấu đê đất bằng đê bê tông và một số địa phương khác như Hải Phòng đoạn ngay cầu Rào, bờ hữu sông Lạch Tray cũng thay đổi tương tự. Những đoạn đê đó được theo dõi, giám sát chặt chẽ từ lúc thiết kế tới thi công và khi đưa vào sử dụng đã cho hiệu quả rất tốt.

Dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên có chiều dài 271m, rộng 10m; tổng mức đầu tư 311,988 tỷ đồng; dự kiến thi công trong 7 - 7,5 tháng. Quá trình thi công sẽ kết hợp điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng đoạn K62+500 - K63+600. Thay thế kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L dài 1.100m, cao 2,6m, rộng 1m; có chân móng đảm bảo chống trượt, kết cấu làm việc an toàn, có khả năng chịu lực, ổn định dưới tác động của các tải trọng thiết kế.