Xây dựng bằng được văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn xây dựng được văn hóa giao thông trong cộng đồng, tức là phải loại bỏ các hành vi vô ý thức khi tham gia giao thông, từ đó tiến tới kéo giảm ùn tắc và TNGT.

Muốn xây dựng được văn hóa giao thông trong cộng đồng, tức là phải loại bỏ các hành vi vô ý thức khi tham gia giao thông, từ đó tiến tới kéo giảm ùn tắc và TNGT. Thực tế tại nhiều nước phát triển, quá trình xây dựng văn hóa giao thông đã kéo dài nhiều năm qua và đến nay, họ đang hưởng thành quả, với việc ATGT luôn được người dân chấp hành nghiêm. Do đó tại Việt Nam, phải xây dựng bằng được văn hóa khi tham gia giao thông mới có hy vọng giảm ùn tắc và TNGT một cách bền vững.

Không ai muốn làm người xấu

Khi thực hiện các hành vi thiếu văn hóa, vô ý thức, không ít người biết, thậm chí cảm thấy xấu hổ vì hành động họ đã làm. Tuy nhiên, trong những tình huống vi phạm luật giao thông cụ thể, người ta vẫn mang trong mình tư tưởng họ không sai dù bị xử phạt. Nhưng nếu ngay lúc đó có một tác động đến nhận thức của người vi phạm thì họ sẽ phải thay đổi, bởi không ai muốn làm người xấu.
Thực hiện tốt ATGT là trách nhiệm của mỗi người dân.        Ảnh: Linh Anh
Thực hiện tốt ATGT là trách nhiệm của mỗi người dân. Ảnh: Linh Anh
Bản thân người viết đã chứng kiến sự việc một người đứng dưới lòng đường bán hàng rong đã bị một cụ già nhắc nhở với lời lẽ nghiêm khắc. Cụ hoàn toàn biết người bán rong phải kiếm sống, nhưng cụ nhấn mạnh rằng, việc bán hàng dưới đường làm cản trở giao thông khiến vô số người khác chậm trễ trong công việc, làm họ không kiếm sống được. Như vậy, vì một người mà nhiều người khác gặp khó khăn, đó là điều vô đạo đức. Không những giúp người bán hàng rong nhận ra sai lầm, cụ già còn hướng dẫn người bán hàng vào trong khu vực chợ để không gây cản trở giao thông. Qua câu chuyện rút ra một điều, trong các hành vi vi phạm luật giao thông để mưu sinh, chúng ta không thể cứ xử phạt khơi khơi là xong, càng không thể đưa "cần câu" hay "con cá" để họ chuyển nghề được, mà nên kết hợp giáo dục tại chỗ với từng bước uốn nắn, hướng dẫn họ kiếm sống theo cách ít gây hại hơn cho giao thông. Đó tuy chưa phải là cách tối ưu nhưng vẫn là liều thuốc hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.

Với những đối tượng thiếu ý thức, thiếu văn hóa chỉ vì thói quen trong cuộc sống thì mọi chuyện dường như đơn giản hơn. Nhưng nếu không cẩn thận, đây chính là đối tượng khó xử lý nhất. Bản chất của họ không xấu, nhưng số lượng lại khá đông và không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Để thay đổi nhận thức của bộ phận này thì công thức tối ưu nhất vẫn là "giáo dục lan tỏa", tức là tạo ra một phong trào giáo dục văn hóa giao thông lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Thành công của cách làm này đã được kiểm chứng trong thực tiễn với nhiều cuộc vận động tự phát trong giới trẻ về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông, như "tắt máy khi dừng đèn đỏ trên 20 giây". Cái thiếu ở đây là chưa có một nguồn lực đủ mạnh để tổ chức một phong trào tầm cỡ trong cộng đồng.

Đoàn kết là sức mạnh

Người Việt Nam có truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tương thân tương ái. Những phẩm chất quý báu đó đã giúp chúng ta chiến thắng kẻ địch mạnh, giải phóng tổ quốc để người dân có được sự bình yên ngày hôm nay. Nhưng thật đau xót khi biết số người chết và thương tật do TNGT hằng năm lên đến con số hàng ngàn. Chúng ta đã đoàn kết trong chiến tranh, vậy tại sao lại không đoàn kết trong thời bình để chiến đấu với tai nạn, UTGT?

Chiến đấu ở đây là chiến đấu với những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến tai nạn và UTGT. Những nguyên nhân đó có thể do khách quan, nhưng phần lớn là do chủ quan của con người. Điển hình nhất là việc sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông. Một phần không nhỏ người Việt thích nhậu nhẹt, và trong số đó có nhiều người thích "nhậu tới bến". Vậy những người không uống bia rượu như phụ nữ, người già, trẻ em… phải đoàn kết lại để ngăn không cho người có hàm lượng cồn trong máu điều khiển xe. Gia đình, họ hàng không xong thì cơ quan, tổ chức, chính quyền vào cuộc. Nói miệng không được thì phạt, mà đã phạt thì không những phạt theo luật mà còn phạt bằng sự mất hình ảnh trước mặt người khác. Đến lúc đó, sự vô ý thức phải rút lui trước hình phạt.

Một câu chuyện khác vẫn được lưu truyền trong các vùng nông thôn là chuyện một số bản ở miền núi có quy tắc "già làng kiểm soát chìa khóa xe máy". Vì già làng là những người có uy tín tuyệt đối ở bản nên mọi người đều nghiêm túc chấp hành quy định để già làng giữ chìa khóa xe. Mỗi khi ai có việc cần đi đâu thì phải qua già làng lấy chìa khóa, nếu già làng xét thấy người đó đủ tỉnh táo và có đội mũ bảo hiểm mới cho đi. Đó là câu chuyện điển hình của sự đoàn kết vì có một người đủ uy tín lãnh đạo. Vậy nếu như ở thành phố cũng có một người, hay một tổ chức đủ uy tín, đủ đức tài đứng lên phát động phong trào đội MBH và không uống rượu bia khi đi xe thì tin rằng hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với các cách tuyên truyền thông thường vì sẽ kéo được rất nhiều người tin và làm theo.

Với việc xây dựng văn hóa giao thông trên nền tảng "sự vô ý thức hiển nhiên" của một bộ phận không nhỏ người dân, chúng ta không thể xây nhà từ nóc, đó là điều chắc chắn. Muốn chữa khỏi một căn bệnh trầm kha gây ra bởi vi khuẩn độc, ta phải dùng những liều kháng sinh cực mạnh. Đó có thể là các biện pháp gây sốc tức thời nhưng để lại ấn tượng mạnh đến người vi phạm, khiến họ phải thay đổi theo hướng tích cực. Đó cũng có thể là những phong trào được phát động bởi người có uy tín, có ảnh hưởng lớn rồi được lan tỏa sâu rộng đến từng người, từng nhà. Đất nước càng phát triển, xã hội càng thay đổi thì chúng ta cũng phải xây dựng văn hóa giao thông một cách linh hoạt, dựa theo nhiều góc nhìn khác nhau trong đời sống.