Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu: Thiếu quy chuẩn, khó quản lý

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kỳ vọng xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại văn minh, thời gian qua đã có một số tuyến phố tại Hà Nội được xây dựng theo mô hình kiểu mẫu. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến không thể nhân rộng mô hình.

Biển hiệu tại tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên Lê Trọng Tấn không còn theo quy định tại đề án thí điểm.
Kiểu mẫu bị phá vỡ
Năm 2016, tuyến phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) được coi là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô với điểm nhấn là các biển hiệu, biển quảng cáo được thiết kế với kích thước, màu sắc, cỡ chữ... đồng loạt giống nhau với 2 màu cơ bản là đỏ và xanh. Tuy nhiên đến nay, mô hình kiểu mẫu về biển hiệu tại đây đã gần như bị phá vỡ, hàng loạt cửa hàng trên tuyến phố này đã chủ động thay đổi màu sắc, kiểu chữ bảng hiệu cửa hàng để tăng tính nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng.
Rút kinh nghiệm từ phố Đình Thôn, các đơn vị khi xây dựng tuyến phố kiểu mẫu cần nghiên cứu, rà soát các quỹ đất hai bên đường để bảo đảm đầu tư, hạ ngầm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc... Bên cạnh đó, không thể bỏ qua việc trồng đồng bộ mới cây xanh, bố trí các tiện ích đô thị như nhà chờ xe buýt, bảng biển chỉ dẫn, khu vực tập trung rác...
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải
Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai Đặng Minh Tuấn cho biết, việc thực hiện các tuyến phố kiểu mẫu là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách quản lý cũng cần phải được xây dựng đồng bộ. Hiện quá trình quản lý tuyến phố Lê Trọng Tấn gặp rất nhiều khó khăn, mới chỉ có quy định quản lý tuyến phố tạm thời do UBND quận Thanh Xuân ban hành nên chưa có chế tài xử lý việc tự ý thay đổi biển hiệu, lực lượng chức năng chỉ có thể tuyên truyền, vận động.
Tương tự, tuyến phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm), được coi là tuyến phố kiểu mẫu thứ hai do UBND phường Mỹ Đình 1 thực hiện theo Đề án “Thí điểm tuyến đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030. Vậy nhưng, dù mới thực hiện xong giai đoạn 1 của đề án, tuyến phố đã nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Cụ thể, hàng cột sắt sơn đỏ gần 200 chiếc, cắm trên vỉa hè chật hẹp, nhằm để gắn biển hiệu đồng bộ kích thước cho các cửa hàng hai bên phố và treo cờ vào dịp lễ, Tết. Nhưng thực tế loạt biển hiệu ở đây không đồng bộ, nhấp nhô, nhiều hộ dân còn lắp các loại bạt để tạo sự khác biệt. Thậm chí, có nhiều cột sắt được cắm sát mép vỉa hè cận kề lòng đường, cản trở lưu thông cho người đi bộ, ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông. "Nhận thấy những bất cập từ tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản yêu cầu UBND phường Mỹ Đình 1 dừng thực hiện đề án và không nhân rộng mô hình tuyến phố này" - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho biết.
Cần sớm có quy chuẩn
Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội, để tránh hiện tượng chính quyền địa phương “làm nghiệp dư” như ở Đình Thôn, có thể tham khảo cách làm thành công ở quận Hoàn Kiếm. Trước khi chính quyền quận sửa sang đường phố, nhà cửa đều tham vấn cơ quan chuyên môn. Ban quản lý phố cổ Hà Nội thậm chí đưa phương án ra triển lãm để lấy ý kiến người dân. Người dân chỉ sơn sửa khi bằng lòng, thậm chí khi đó họ còn góp tiền với Nhà nước.
Phó Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT Vũ Anh Tuấn cho rằng, những tuyến phố được kỳ vọng là kiểu mẫu tại Hà Nội không đạt được kết quả vì chưa có một khung quy chuẩn nhất định khi xây dựng. “Bất kỳ công trình nào muốn hướng đến mục tiêu kiểu mẫu, đều phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, các tuyến kiểu mẫu ở Hà Nội mới dừng lại ở phạm vi nhỏ lẻ, thiếu giám sát, dẫn tới mất kiểm soát khi người dân làm ngược lại chủ trương”- ông Tuấn nói.
Nhằm tiến tới xây dựng một Hà Nội văn minh, với các tuyến phố kiểu mẫu đúng quy chuẩn, hiện tại các cơ quan chức năng của TP vẫn tiếp tục đề nghị các quận, huyện nghiên cứu, tự xây dựng tiêu chí tuyến phố kiểu mẫu riêng căn cứ theo đặc thù của địa phương. Việc quy định kích cỡ, màu sắc của biển hiệu cũng nên nghiên cứu theo văn hóa vùng, tuân thủ đúng Luật Quảng cáo. Đồng thời, Sở QH - KT Hà Nội đã và đang tổ chức thiết kế đô thị hàng loạt các tuyến phố như tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Phú, Kim Mã...