Hiện nay, nhu cầu về rau xanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở nên cần thiết với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế một số nông dân vẫn chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn nên chất lượng chưa đảm bảo. Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, trên địa bàn huyện Ba Vì hiện nay các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn chưa được quản lý tốt cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn huyện cũng như của Thủ đô Hà Nội.
Mô hình trồng rau an toàn tại xã Minh Châu. |
Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đưa công tác quản lý, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, UBND huyện Ba Vì đã triển khai đề án rau an toàn tập trung. Theo đó, ngày 1/6, Ba Vì đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các bước đề án rau an toàn tập trung tại 3 xã, thị trấn là xã Chu Minh, Minh Châu và thị trấn Tây Đằng giai đoạn 2016 – 2018 với quy mô của đề án là 90ha (trong đó, xã Minh Châu có quy mô 20ha, xã Chu Minh có quy mô 25ha và thị trấn Tây Đằng là 45ha). Đề án nhằm phát huy hiệu quả đầu tư hạ tầng, ứng dụng quy trình kỹ thuật tạo ra vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, phấn đấu đạt từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, tiến tới xây dựng thương hiệu rau an toàn tại 3 cơ sở trên. Theo đề án, UBND huyện Ba Vì sẽ hỗ trợ 11 tỷ đồng để lắp đặt hoàn thiện đường ống dẫn nước, tổ chức sản xuất và tiêu thụ trong vòng 3 năm. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã yêu cầu UBND 3 xã, thị trấn thành lập các Hợp tác xã hoặc các nhóm, tổ đội sản xuất để trực tiếp sản xuất rau an toàn theo đề án đã được phê duyệt. Giao phòng Kinh tế huyện là cơ quan chủ trì đề án phối hợp với trạm Bảo vệ Thực vật, trạm Khuyến nông, hội Nông dân huyện, các cơ quan chức năng và UBND 3 xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Việc tổ chức tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của sản xuất rau an toàn. Tổ chức tập huấn kỹ thuật, phân công cán bộ theo dõi, giám sát việc sản xuất và tiêu thụ, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ Nhân dân để sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của huyện đạt kết quả cao nhất.