Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh sau THPT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với cấp học sau phổ thông với khối không chuyên là bậc 3 và bậc 4 đối với khối chuyên cao đẳng; bậc 5 đối với khối chuyên đại học.

Ngày 3/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả, tiến độ triển khai công tác khảo thí sau phổ thông và lấy ý kiến chuyên gia về định dạng đề thi năng lực tiếng Anh. 

Đề án thiết kế định đạng đề thi năng lực tiếng Anh hướng tới việc thiết kế, xây dựng, đưa vào sử dụng một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 cho đối tượng sau bậc học trung học phổ thông, sử dụng trên phạm vi toàn quốc và hướng tới được quốc tế thừa nhận. 

Đề án nhìn nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế, dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Nguồn: TTXVN)
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Nguồn: TTXVN)
Theo yêu cầu của Khung năng lực này thì chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với cấp học sau phổ thông với khối không chuyên là bậc 3 và bậc 4 đối với khối chuyên cao đẳng; bậc 5 đối với khối chuyên đại học. 

Ông Nguyễn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ của đối tượng sau trung học phổ thông rất quan trọng đối với chiến lược phát triển ngoại ngữ cũng như nâng cao năng lực làm việc của nhân lực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Vì vậy, một trong những mục tiêu xây dựng đề án là phải tự xây dựng được một định dạng năng lực kiểm tra, đánh giá. 

Định dạng này trước hết được sử dụng để kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam, sau đó phải tiến tới được quốc tế thừa nhận. 

Việt Nam cũng phải xây dựng định dạng thi cho người Việt Nam, không phụ thuộc về kiểm tra đánh giá đối với các tổ chức bên ngoài. 

Đây cũng là kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... 

Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành xây dựng và phát triển bài thi mẫu và chọn thi thử nghiệm trên diện rộng, với 220 thí sinh ở ba trường đại diện cho ba miền gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trong đợt thi thử này, bên cạnh đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5, các thí sinh còn thực hiện một đề thi quốc tế để làm căn cứ đối sánh và quyết định các mức điểm một cách chính xác. 

Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao tính thực tiễn của đề án và cho rằng, đề án hoàn toàn có khả năng áp dụng để kiểm tra và đánh giá năng lực ngoại ngữ sau trung học phổ thông, đặc biệt là trong đào tạo giáo viên tiếng Anh ở các trường ngoại ngữ. 

Tuy nhiên, đề án cần làm rõ các Khung tham chiếu quốc tế để xây dựng đề thi phù hợp, đảm bảo đánh giá đúng trình độ của người học ở từng cấp độ, đồng thời phù hợp với chuẩn đánh giá năng lực ngoại ngữ của quốc tế. 

Một vấn đề cốt yếu cần được quan tâm và đầu tư bảo đảm chất lượng của các tiểu mục đề thi. Việc biên soạn các tiểu mục này cần phải qua một quy trình bảo đảm chất lượng nghiêm ngặt để đề thi có giá trị và độ tin cậy cao...