Xây dựng đường vành đai 4: Cần gói giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô có đặc thù quy mô lớn, tổng mức đầu tư dự kiến 85.813 tỷ đồng, xuyên suốt 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Để đảm bảo hiệu quả cũng như tiến độ dự án, cần có gói giải pháp toàn diện cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, địa phương.

>>> Bài 1: Điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện

>>> Bài 2: Tạo nguồn lực, thêm cơ hội phát triển

>>> Bài 3: Xương sống của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô

>>> Bài 4: Kích hoạt chuỗi đô thị, nhân giá trị đất đai

Mở hành lang cơ chế

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô có một số điểm khác so với các dự án trước đây do Hà Nội thực hiện. Cụ thể, đây là dự án cao tốc vành đai có tính liên vùng đi qua 3 tỉnh, TP, thông thường sẽ do Bộ GTVT thực hiện. Nhưng với dự án này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chủ động đề xuất liên kết với các tỉnh bạn, được ủng hộ, nhất trí cao đề cử làm cơ quan chủ trì, và Thủ tướng chấp thuận chủ trương.

Phối cảnh đường Vành đai 4.
Phối cảnh đường Vành đai 4.

Mặt khác, dự án được đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đối tác công tư, nên cần thiết phải chia nhỏ thành các dự án thành phần, tương ứng với các nguồn vốn, hình thức đầu tư và xác định chủ đầu tư khác nhau nhằm cho phù hợp tính chất, quy mô công việc, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ được chia thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Chính phủ cũng đã thống nhất chủ trương giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án nhằm đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ. Riêng dự án thành phần số 3: Đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, cũng do TP Hà Nội tổ chức đấu thầu thực hiện.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, việc chia nhỏ thành các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công – tư là giải pháp cơ bản cho dự án Vành đai 4. Tổng mức đầu tư quá lớn, nếu trông chờ vào ngân sách là khó có thể thực hiện. “Với 7 dự án thành phần, bao gồm cả giải phóng mặt bằng, đường song hành, đường kết nối, đường cao tốc chính, giao các địa phương thực hiện theo kiểu cuốn chiều sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi, điều chỉnh. Các địa phương tự thực hiện dự án trên địa bàn của mình sẽ chủ động hơn rất nhiều trong thực tế thi công” - Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nêu ý kiến.

Các chuyên gia cho rằng, dự án Vành đai 4 không có tính chất phức tạp về kỹ thuật, các nhà thầu trong nước có thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng công trình. Tuy nhiên, muốn đảm bảo tiến độ, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương phải tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư, nhà thầu. Ví dụ như việc cho phép chỉ định thầu một số hạng mục như: Tư vấn; di dời công trình ngầm nổi; giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư…

Mặt khác, qua triển khai một số dự án hạ tầng tại Hà Nội cho thấy, việc khai thác đất, cát; tập kết phế liệu trong quá trình thi công gặp không ít khó khăn. Đối với đại dự án như Vành đai 4, mỗi thao tác hoàn thiện thủ tục cũng tốn rất nhiều thời gian. Để đảm bảo tiến độ, cơ quan chức năng có thể xem xét miễn việc xin cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, các nhà thầu phải có cam kết cụ thể chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản của mình nếu gây thất thoát, ô nhiễm môi trường…

Rốt ráo giải phóng mặt bằng

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ, để thực hiện tốt dự án, điều kiện tiên quyết đầu tiên là phải được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, để triển khai dự án được thuận lợi thì công tác GPMB là cực kỳ quan trọng và cần phải đảm bảo các nguyên tắc chung.

Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ do GPMB trong thời gian qua, cần tách công tác bồi thường, GPMB, tái định cư thành các tiểu dự án tương ứng với từng địa phương, phù hợp với điều kiện, đặc thù, cơ chế chính sách của mỗi tỉnh, TP.

Về tổng thể, phải GPMB toàn bộ mặt cắt quy hoạch một lần, theo đúng chỉ giới quy hoạch, tránh phức tạp, mất ổn định đời sống, gây bức xúc người dân khi thực hiện GPMB nhiều lần. Các địa phương có tuyến đường đi qua cần chủ động tổ chức rà soát các nội dung liên quan công tác bồi thường, GPMB, tái định cư.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Các địa phương có Vành đai 4 đi qua cần tăng cường công tác quản lý đất đai dọc tuyến đường ngay từ bây giờ. Đặc biệt, phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm chờ dự án để đòi bồi thường, hoặc xây dựng trên hàng lang giao thông, trong phạm vi dự án, gây phức tạp cho công tác GPMB sau này”.

Các chuyên gia nhận định, công tác GPMB gắn liền với việc giải quyết các cơ chế chính sách và bố trí tái định cư theo từng địa phương. Vì vậy nên thống nhất quan điểm giao cho các địa phương chịu trách nhiệm về GPMB đồng bộ với việc bố trí tái định cư. Trong trường hợp cần thiết, có thể đề xuất chính sách cơ chế đặc thù riêng đối với công tác GPMB, bố trí tái định cư thực hiện trình cấp có thẩm quyền cho phép.

Thực tiễn hiện nay công tác GPMB của nhiều dự án bị kéo dài do nguyên nhân khi duyệt Dự án chưa xác định được quy mô, vị trí các khu tái định cư. Vì vậy cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu, khi dự án phê duyệt, đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.

Bên cạnh thách thức lớn là GPMB, việc cân đối, bố trí vốn cho dự án, bao gồm cả việc huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, với một đại dự án giao thông quy mô rất lớn như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các bước hoàn thiện thủ tục theo quy định hiện hành là vô cùng phức tạp, tốn kém thời gian. Muốn đẩy nhanh tiến độ, ngay từ khâu chuẩn bị cho đến quá trình xuyên suốt dự án phải có các cơ chế, chính sách linh hoạt, mạnh mẽ, đủ điều kiện cho chủ đầu tư và các nhà thầu tạo bước đột phá rõ rệt.

 

"Việc phân kỳ đầu tư, xác định cơ cấu các đoạn tuyến đi trên cao, đi bằng của thành phần đường cao tốc là rất cần thiết để đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực, trong mọi trường hợp phải đảm bảo kết nối toàn tuyến nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư." - Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần