Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vành đai 4 - Hướng đột phá chiến lược của Vùng Thủ đô

Bài 4: Kích hoạt chuỗi đô thị, nhân giá trị đất đai

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến khi Vành đai 4 Vùng Thủ đô được đầu tư xây dựng, giá trị của 6.500ha đất khu vực phía Tây tuyến đường sẽ nhân lên gấp bội. Cùng với đó các khu đô thị, cụm công nghiệp sản xuất, logistic… cũng phát triển mạnh, góp phần rất lớn vào sự thịnh vượng Vùng Thủ đô.

>>> Bài 1: Điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện

>>> Bài 2: Tạo nguồn lực, thêm cơ hội phát triển

>>> Bài 3: Xương sống của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô

Sa bàn tổng thể một dự án bất động sản nằm trên trục đường Vành đai 4 tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sa bàn tổng thể một dự án bất động sản nằm trên trục đường Vành đai 4 tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bệ phóng cho bất động sản

Ngay từ khi dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được tái khởi động vào năm 2020, tiềm năng của bất động sản khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… đã được kích hoạt. Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định, hạ tầng giao thông là bệ phóng hữu hiệu, đưa giá trị bất động sản lên những tầm cao mới. Nhiều khu vực ven Vành đai 4 hiện đang còn là đất nông nghiệp hoặc bỏ hoang sẽ có cơ hội được chuyển đổi thành đất đô thị, cụm công nghiệp sản xuất, giá trị tăng gấp hàng chục lần.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã nhận định, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới cực kỳ tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh... sẽ phát triển rất nhanh khi Dự án Vành đai 4 được triển khai.

 

Vành đai 4 là cơ hội nhưng cũng sẽ là thách thực đối với tiến trình phát triển của Vùng Thủ đô. Các tỉnh, TP cần kiểm soát chặt giá trị đất đai, việc hình thành chuỗi đô thị ngay từ đầu để tận dụng nguồn lực đầu tư cho dự án Vành đai 4, đồng thời hạn chế nguy cơ tạo ra bong bóng bất động sản.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 là điều kiện tiên quyết để điều chỉnh quy hoạch đất đai vùng ven, chuyển đổi từ nhóm đất nông nghiệp giá trị thấp sang đất phục vụ sản xuất, công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất ở đô thị có giá trị cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải khu vực nào ven Vành đai 4 cũng là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư bất động sản.

Chuyên gia về lĩnh vực bất động sản Bùi Dũng lý giải, dọc tuyến Vành đai 4 sẽ có những khu vực đất được lựa chọn làm hành lang giao thông, công trình công cộng. Nếu muốn đầu tư có lời, nên chọn những khu vực lân cận các cụm công nghiệp dọc tuyến đường; hoặc xung quanh 8 nút giao lớn với các tuyến đường: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; cao tốc Nội Bài - Hạ Long, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường gom, đường đô thị song hành với Vành đai 4. Bất động sản tại các khu vực này hứa hẹn sẽ có sức bật mạnh mẽ hơn cả, giàu tiềm năng cho nhà đầu tư.

Mặt khác, khi có hệ thống hạ tầng giao thông mạch lạc, thuận tiện với xương sống Vành đai 4 là chủ đạo, vùng ven của các tỉnh, TP nói trên sẽ có điều kiện để hình thành nhiều cụm dân cư tập trung đông, góp phần phát triển đồng đều, kéo giãn mật độ của những đô thị lớn, đặc biệt là nội thành Hà Nội. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô nhiều thập kỷ tới.

Chuỗi đô thị năng động

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh phân tích, khi Vành đai 4 được xây dựng, tất yếu sẽ hình thành nhiều khu vực đô thị mới dọc theo tuyến đường. Nhưng nếu chỉ xây dựng các khu nhà ở trên cơ sở giao thông thuận tiện thôi sẽ kém hiệu quả, thậm chí có thể không thu hút được người dân, dẫn đến tình trạng bỏ hoang như một số khu vực tại Hà Nội hiện nay.

“Khu dân cư, đô thị tập trung cao phải dựa trên nhu cầu thiết thực. Dọc Vành đai 4 phải hình thành được các cụm công nghiệp, sản xuất, logistic, kinh doanh thương mại phát triển, người dân phải sống được, làm giàu được thì mới gắn bó với, tập trung thành các khu đô thị bền vững” - Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nói.

Theo nghiên cứu ban đầu, Vành đai 4 sẽ là tiền đề để điều chỉnh quy hoạch, biến 6.500ha đất phía Tây tuyến đường này thành các cụm sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và đô thị mới. Vành đai 4 còn đi qua 14 huyện, thị xã của 3 tỉnh, TP, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông của cả Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Với hệ thống giao thông thông suốt, thuận tiện, sản xuất, thương mại có điều kiện phát triển dễ dàng hơn, việc hình thành chuỗi đô thị dọc Vành đai 4 chắc chắn sẽ rất nhanh chóng. Qua đó tạo nên một khu vực trọng điểm kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho cả Vùng Thủ đô.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Vành đai 4 sẽ kích thích sự tăng trưởng của một trong những lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng nhưng còn nhỏ lẻ là dịch vụ logistic. Với vị trí kết nối đến cả 7 tuyến cao tốc, vành đai của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, thuận tiện thông thương từ ven biển đến vùng núi cao, Vành đai 4 đủ sức biến khu vực dọc theo hành lang thành những trung tâm logistic cực kỳ phát triển.

Với việc chú trọng vào đầu tư cho kho bãi, tiếp vận, các DN cũng như người lao động sẽ có vô vàn cơ hội làm giàu. Khi mức thu nhập cao, nhu cầu được sống trong các khu đô thị hiện đại, chất lượng của người dân sẽ là động lực cho mỗi địa phương, đồng thời là sức hút đối với người dân từ nhiều địa phương khác.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ: “Chuỗi đô thị dọc Vành đai 4 nên được xem xét định hướng phát triển một cách năng động. Sản xuất, kinh doanh hình thành tới đâu, xây dựng đô thị tới đó, biến các vùng đất nông thôn thành những TP nhỏ của người lao động có thu nhập cao. Như vậy không chỉ kéo giãn đô thị trung tâm mà còn tạo nên cả một chuỗi đô thị đông đúc, trù phú đầy sức hút”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc phát triển đô thị ven Vành đai 4 cần được tính toán thận trọng, dựa trên những cơ sở thực tế mới phát huy hiệu quả thực chất. Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương nói: “Nên chú trọng vào việc điều chỉnh quy hoạch, mở hành lang thu hút đầu tư, xây dựng các cơ sở sản xuất, dịch vụ thương mại dọc Vành đai 4 trước, tạo ra sức hút tự nhiên với người dân. Sau đó mới tập trung xây dựng chuỗi đô thị để tránh cảnh bỏ hoang, lãng phí”.

(còn nữa)

 

Đất đai dọc Vành đai 4 có thể sử dụng làm “vốn” cho Nhà nước trong quá trình hợp tác công - tư cùng triển khai dự án. Các DN có thể được ưu tiên đầu tư vào sản xuất, thương mại, đô thị trong khu vực được hưởng lợi từ Vành đai 4 sẽ hào hứng và quyết tâm hơn đối với dự án.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh, chuyên gia giao thông