Xây dựng mạng lưới liên kết ba bên trong phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số
Kinhtedothi - Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sẽ góp phần then chốt vào việc xây dựng nền kinh tế tri thức, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, các trường phát huy vai trò "trung tâm đổi mới", "hạt nhân tri thức", chủ động tự đổi mới để thích ứng và dẫn dắt sự thay đổi...

Sinh viên giới thiệu về các sản phẩm được trưng bày tại triển lãm “Sắc màu sinh viên Thủ đô”. Ảnh: Thuỷ Tiên
Kiến tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững
Trong tham luận được gửi đến Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước” do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội tổ chức mới đây, Th.s Đỗ Tiến Dũng (Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, các quốc gia đều đang đua nhau tận dụng triệt để các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Theo Th.s Đỗ Tiến Dũng, Việt Nam – một quốc gia đang phát triển, đang nỗ lực vươn mình mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng, đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tìm ra động lực tăng trưởng mới dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này không chỉ là một xu thế tất yếu, mà còn là một mệnh lệnh từ thực tiễn, bởi nếu chậm chân chúng ta sẽ đứng ngoài dòng chảy của thời đại.
Nhận thức rõ vai trò mang tính chiến lược của khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước, ngày 10/8/2023, Bộ Chính trị đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW "về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Đây là một nghị quyết quan trọng, mang tính đột phá, nhằm kiến tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số.
Theo Th.s Đỗ Tiến Dũng, Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ đề ra quan điểm, mục tiêu và định hướng lớn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà còn xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát huy vai trò động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy chuyển đổi số làm công cụ đột phá cho sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, việc cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục – đào tạo, doanh nghiệp và toàn xã hội là nhiệm vụ hết sức cấp thiết và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng có vai trò rất lớn, không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực mà còn là môi trường nghiên cứu, đổi mới và lan tỏa tri thức. Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội - trung tâm giáo dục, khoa học lớn nhất cả nước, các trường đại học, cao đẳng đang và sẽ đóng vai quan trọng vào quá trình hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Một góc Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao.
Kiến nghị 4 giải pháp cho phát triển
Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước, Th.s Đỗ Tiến Dũng đề xuất 4 giải pháp. Cụ thể, đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng số và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của nhà trường; tăng cường hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp – chính quyền địa phương.
Đối với đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng số và đổi mới sáng tạo, Th.s Đỗ Tiến Dũng cho rằng, việc cập nhật chương trình đào tạo là nhiệm vụ cấp thiết nhằm thích ứng với nền kinh tế số. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2023, chỉ khoảng 25% cơ sở giáo dục đại học đã tích hợp nội dung chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo. Con số này cần được nâng lên ít nhất 60% vào năm 2030 để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW.
Theo các chuyên gia, để làm được cần rà soát, cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số và thị trường lao động trong nền kinh tế số. Tăng cường tích hợp các học phần về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chuyển từ đào tạo theo nội dung sang đào tạo theo năng lực, nhấn mạnh kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, kỹ năng số, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Phát triển các chương trình đào tạo mới, mang tính liên ngành như: kinh tế số, quản trị đổi mới, công nghệ giáo dục, chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp… để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và quốc gia.
Về thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, các chuyên gia cho rằng, cần thiết lập các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và vườn ươm khởi nghiệp tại các trường. Đặc biệt khuyến khích mô hình kết nối với doanh nghiệp, chính quyền địa phương để phát huy giá trị thực tiễn. Khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giải quyết bài toán thực tiễn của doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, học thuật và chính sách ghi nhận kết quả nghiên cứu của giảng viên và sinh viên để tăng cường động lực sáng tạo. Tăng cường công bố khoa học quốc tế, đẩy mạnh đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích để từ đó khẳng định vai trò của nhà trường trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Liên quan đến đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của nhà trường, Th.s Đỗ Tiến Dũng dẫn chứng, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024, chỉ 38% cơ sở giáo dục đại học đã triển khai nền tảng quản lý đào tạo học tập trực tuyến (LMS); khoảng 23% cơ sở sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong hoạt động quản trị. Đây là những con số cho thấy khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị và giảng dạy.
Giải pháp cho vấn đề này là xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, trong đó bao gồm chuyển đổi số trong quản trị (quản lý đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất), trong giảng dạy – học tập (E-learning, LMS, bài giảng số), và trong đánh giá kết quả học tập. Phát triển nền tảng số nội bộ cho kết nối dữ liệu liên thông giữa các phòng ban, khoa – bộ môn – trung tâm; kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, giảng viên và sinh viên, đảm bảo sử dụng thành thạo công cụ số và phát triển tư duy số trong hoạt động chuyên môn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong việc hỗ trợ học tập cá nhân hóa, dự báo nhu cầu học tập, quản trị hiệu quả nguồn lực và định hướng phát triển chương trình đào tạo.
Đối với giải pháp về tăng cường hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp – chính quyền địa phương, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế, chỉ 15% chương trình đào tạo có sự tham gia thiết kế của doanh nghiệp. Giải pháp là xây dựng mạng lưới liên kết ba bên “Nhà trường – Doanh nghiệp – Chính quyền” nhằm cùng khai thác tiềm lực khoa học, công nghệ, nhân lực và cơ sở vật chất, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Tổ chức các chương trình thực tập, thực tế, học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên; phối hợp với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả đào tạo.
Bên cạnh đó, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp và địa phương, qua đó khẳng định vai trò của cơ sở đào tạo trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, hội chợ đổi mới sáng tạo nhằm kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của địa phương và quốc gia.

Khuyến khích thanh niên tích cực tham gia phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Kinhtedothu - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 198/TB-VPCP ngày 24/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chương trình đối thoại với thanh niên năm 2025.

Đẩy mạnh tín dụng cho khoa học công nghệ, hạ tầng chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng
Kinhtedothi- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số và các lĩnh vực trọng điểm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Luật đầu tiên khơi thông tiềm năng khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tư nhân
Kinhtedothi - Chiều 6/5, phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nội dung Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với nhiều điểm mới, tiến bộ, với các quy định khơi thông tiềm năng cho khu vực kinh tế tư nhân; mở ra cơ hội thu hút nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học...