Phụ nữ Thủ đô:

Xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tham gia phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn TP.

Điểm nổi bật là các cấp Hội phụ nữ đã tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể. Đồng thời, chủ động hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; khuyến khích, hướng dẫn các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tính đến ngày 20/8/2022, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 18 HTX, 26 THT, 74 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ các sản phẩm từ các HTX, THT do phụ nữ làm chủ, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu. Từ thành công của các mô hình liên kết, các HTX, THT đã chủ động tăng quy mô sản xuất, diện tích canh tác và thu hút thêm thành viên...

Đặc biệt, đã có nhiều HTX, THT tham gia hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, định hình thương hiệu trên thị trường như: HTX Tâm Ngọc (huyện sóc Sơn) với 3 sản phẩm về Trà thảo dược đạt tiêu chuẩn OCOP 4*; Thương hiệu bánh Chưng xanh Hải Yến 20 được cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 4*; HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến”; Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm có 4 sản phẩm 5* và 1 sản phẩm 4*…