Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa lai TH3-5

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Mahyco – Việt Nam vừa tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa TH 3 – 5.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, tổng diện tích đất gieo cấy lúa hàng hóa hàng năm của Hà Nội khoảng 200.000ha. Cơ cấu hiện nay chủ yếu là các giống lúa thuần như: Khang dân 18, ĐB5, ĐB6, Bắc thơm số 7, hương thơm số 1… Ngoài các giống lúa truyền thống và với phương pháp sản xuất sản xuất lúa như hiện nay là gieo mạ cấy thủ công, tốn nhiều lao động, việc thuê mướn nhân công trong lúc thời vụ gặp nhiều khó khăn, giá thuê mướn cao gấp 2 đến 3 lần so với lúc nông nhàn, giá thành sản xuất cao, người nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng một số mô hình trình diễn giống lúa mới và các tiến bộ kỹ thuật mới với cây lúa, trong đó có xây dựng mô hình trình diễn giống lúa lai TH3-5 cấy bằng máy và cấy theo phương pháp SRI ở vụ mùa năm 2014. Quy mô 120ha, trong đó 100ha cấy bằng máy, 20ha cấy theo phương pháp SPI, triển khai ở 6 huyện là: Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai,, Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức. Đây là giống lúa ngắn ngày, cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, nhất là bệnh bạc lá, cho năng suất cao, cơm mềm và gieo cấy được cả 2 vụ trong năm. Qua theo dõi ở các điểm đều có đánh giá giống lúa lai TH3-5 cho bông dài và to, tỷ lệ hạt chắc cao, số bông hữu hiệu cao hơn so với các giống truyền thống 20 đến 25%, năng suất cao hơn bình quân 13,9 tạ/ha, sau khi tính chi phí bón phân, chăm sóc hiệu quả kinh tế cao hơn so vói Khang dân 8.290.000. Đặc biệt thời gian sinh trường ngắn hơn các giống khác từ 5 đến 7 ngày.

Lúa TH 3 – 5 là giống lúa lai 2 dòng do PGS – TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trường đại học nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ Xuân 105 – 110 ngày, vụ Hè Thu 95 – 100 ngày), được Công ty TNHH Mahyco đưa vào khảo nghiệm sản xuất.