Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nghị định tăng mức tiền trợ cấp xã hội

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các đơn vị khẩn trương sửa Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Vì hiện nay, mức trợ cấp xã hội rất thấp, chỉ 360.000 đồng/tháng.

Đây là lưu ý của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ LĐTB&XH trong những tháng đầu năm 2024.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành LĐTB&XH cần triển khai, trong đó phát triển hệ thống an sinh bao trùm và bền vững, toàn diện và nâng cao khả năng tiếp cận chính sách của các nhóm đối tượng yếu thế theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị khẩn trương  sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng/tháng. Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị khẩn trương  sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng/tháng. Ảnh minh họa.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các đơn vị khẩn trương sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện nay, mức trợ giúp xã hội rất thấp, chỉ 360.000 đồng/tháng.

Tại buổi làm việc với Thủ trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTB&XH sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2024, toàn ngành cần phấn đấu tham mưu để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, tối thiểu mức chuẩn bằng 50% hộ nghèo nông thôn.

Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội đang áp dụng là 360.000 đồng/tháng. Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Tô Đức cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 3,7 triệu người đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng, bao gồm 3,3 triệu người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và 400.000 người chăm sóc người tâm thần, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và không tự phục vụ được. Nhà nước đang chi trả khoảng 28 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các đối tượng này, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế.

Trong giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến chính sách trợ giúp xã hội và xác định bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội rất thấp, mới đạt khoảng 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn của giai đoạn 2021 – 2025 (1.500.000 đồng/tháng) và 20% so với lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.

Ngày 5/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, có nêu nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hộ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trong đó thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội; củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích, trong đó tăng cường phương thức chi trả không dùng tiền mặt phù hợp với đối tượng thụ hưởng và điều kiện thực tế của địa phương.

Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.