70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng nông nghiệp Thủ đô quy mô lớn, công nghệ cao

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; đồng thời xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao điển hình của cả nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Mô hình trồng sâm Bố Chính tại thị xã Sơn Tây đạt hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng sâm Bố Chính tại thị xã Sơn Tây đạt hiệu quả kinh tế cao

Tiếp tục tái cơ cấu, thu hút doanh nghiệp đầu tư

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2022, ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng 2,5 - 3%. Định hướng phát triển của Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha. Cùng với đó, mở rộng diện tích trồng rau màu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; hoa, cây cảnh từ 8.500ha lên 9.000ha.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng
Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng

TP sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150.000 - 160.000 con, đàn lợn lên 1,8 - 2 triệu con; đồng thời trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương.

Bên cạnh đó, các vùng đất trũng, thấp sẽ được chuyển đổi sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản 24.000ha - 25.000ha; trong đó, diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, cá điêu hồng, tôm càng xanh…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những năm tới TP sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của DN vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác.

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

 

Hà Nội đã hình thành được hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung 40.000ha, vùng sản xuất chè tập trung 387ha; hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung 4.300ha, trong đó, 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản; phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm.

Để tạo đột phá trong thu hút nhiều DN lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho DN về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... nhằm tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Tạo động lực bằng cơ chế, chính sách

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực triển khai hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Ảnh: Bình Minh
Chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Ảnh: Bình Minh

Chẳng hạn như, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao vay vốn từ các quỹ của TP…

Hay Quyết định số 4159/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 UBND TP Hà Nội về bổ sung có mục tiêu kinh phí hỗ trợ các huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021 cho 7 huyện với số tiền gần 49 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngày 11/10/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025".

Cụ thể, TP sẽ tập trung huy động các nguồn lực của nhà nước và xã hội để đầu tư cho Chương trình số 04 giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020). Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 8.980 tỷ đồng.

 

Hà Nội hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi); giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.

Trong đó, chương trình đề ra nhiều giải pháp như: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP đang lấy ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch quy mô lớn, công nghệ cao. Cùng với đó, Hà Nội sẽ quy hoạch đất nông nghiệp ổn định và không gian cho nông nghiệp trong đô thị; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang hướng tới việc hình thành mạng lưới DN, công nghệ số, dịch vụ đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn thông minh.