70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng nông thôn mới an toàn trước thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/12, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng, chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới.

Thông tin tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay cả nước đã có 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cả nước có 7 tỉnh, TP có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ.
Bản Sa Ná (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá) hồi sinh sau lũ dữ, trở thành bản kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới
Trước thực tế trên, việc thực hiện lồng ghép yếu tố an toàn trước thiên tai, trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, gắn với mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo thành quả của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về “tiêu chí 3.2: Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ”. Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 ban hành Sổ tay hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về và định hướng xây dựng nông thôn mới bền vững chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021  - 2025; dự thảo sửa đổi bổ sung tiêu chí 3.2. Giới thiệu những nội dung cơ bản của công tác phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các cấp về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là cấp huyện trong việc chỉ đạo duy trì hoạt động của đội xung kích phòng, chống thiên tai.
Các đại biểu cũng được hướng dẫn xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai cấp xã; vai trò, nhiệm vụ cụ thể của lực lương xung kích trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, được giới thiệu dự thảo quy định chế độ chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai…
Với những hướng dẫn, trao đổi cụ thể, sát thực, trực tiếp vào những vấn đề còn khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai ở cơ sở, hội nghị là cơ hội để cán bộ các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã thảo luận, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm. Từ đó, vận dụng trong công việc đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới an toàn trước thiên tai trong giai đoạn tới.