Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nông thôn mới: Khó ở khâu qui hoạch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí qui hoạch có vai trò rất quan trọng, định hướng thực hiện các tiêu chí còn lại.

Tuy nhiên, việc qui hoạch ở nhiều địa phương hiện vẫn còn không ít khó khăn.

Lúng túng và chồng chéo

Để mở rộng và bê tông hóa được con đường trục trong các thôn xóm rộng 6m khang trang như hiện nay, 147 hộ dân ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã phải di dời nhà cửa, đất đai. Ông Nguyễn Xuân Cửu, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, làm được điều đó là nhờ vào việc xã đã bàn bạc trước với nhân dân về qui hoạch chung. Trong Nghị quyết của Huyện ủy cũng coi qui hoạch đi trước một bước, tạo thế và lực cho xây dựng NTM. Tuy nhiên, ở không ít xã, trình độ của cán bộ làm công tác qui hoạch còn yếu kém nên còn lúng túng trong việc đánh giá thực trạng nông thôn…

Sáng 6/10, Liên minh HTX TP tổ chức Hội nghị phát động phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới tới hơn 1.600 HTX trên địa bàn, với chủ đề "Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động; HTX tiên phong trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới". Tại lễ phát động, UBND TP và Liên minh HTX đã biểu dương và khen thưởng 63 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

 

Việc chậm và vướng trong công tác qui hoạch là bài toán mà hầu hết các địa phương đều gặp phải trong quá trình xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Viện trưởng Viện Qui hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), ngay từ khâu hướng dẫn công tác qui hoạch cũng còn nhiều lúng túng. Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng đã có Sổ tay xây dựng NTM, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn, song chỉ hướng dẫn chung chung (mỗi xã khoảng 150 triệu đồng/qui hoạch). Riêng đối với các xã ven đô như ở Hà Nội, việc lập qui hoạch có nhiều điểm khác biệt và phải chi tiết vì tấc đất tấc vàng, không thể chênh nhau 1m². Ông Chinh cho biết thêm, nhiều địa phương còn nóng vội trong qui hoạch đã gây ra thiệt hại không nhỏ. Như trước đây, huyện Sóc Sơn đã bỏ ra hàng tỉ đồng kiên cố hóa kênh mương, nhưng sau đó lại qui hoạch khu công nghiệp trên những công trình đó, gây lãng phí lớn.

Rất cần bài bản và linh hoạt

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT TP, quy hoạch phải làm bài bản, nhất thiết phải có sự tham gia của người dân. Qui hoạch xây dựng NTM của các xã không chỉ bám sát 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM mà còn phải gắn chặt với qui hoạch chung Thủ đô.

Theo nhiều chuyên gia, việc qui hoạch phải được thực một cách hợp lý và tính đến yếu tố bản sắc nông thôn. Ông Nguyễn Văn Chinh chia sẻ: “Ngay như đường giao thông nông thôn, chỗ nào cần thẳng thì nắn thẳng, còn lại vẫn có đường cong. Nếu tất cả các con đường đều thẳng tắp, làm sao còn gọi là nông thôn được nữa?”. Ông Nguyễn Xuân Cửu, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng kiến nghị, cùng với việc hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương về công tác qui hoạch, thành phố cần có chính sách phân cấp, giao trách nhiệm phê duyệt qui hoạch tuyến xã cho huyện sẽ giảm thời gian trong quá trình thực hiện.

Nếu trình tự qui hoạch NTM giống hệt như qui hoạch đô thị, sẽ rất khó khăn khi mà năng lực quản lý của nhiều xã còn hạn chế. Trước đây, mỗi xã chỉ quản lý từ 5 - 10 tỉ đồng/năm là nhiều, nay xây dựng NTM lên tới 70 - 100 tỉ đồng thì không thể giữ cung cách quản lý đó được.

Ông Trần Xuân Việt Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa cũng nhận định, qua thực tế đi thăm và kiểm tra trên 40 xã của 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, việc qui hoạch xây dựng NTM còn khá nhiều bất cập. Theo ông Khoa, Hà Nội cần mạnh dạn phân cấp giao cho huyện phê duyệt qui hoạch xây dựng NTM của xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Việc qui hoạch phải làm nghiêm túc, bài bản, hiệu quả và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Triển khai đến đâu bền vững đến đó, tránh nóng vội, lãng phí.