Đây là nhóm hoạt động trong chuỗi chương trình xây dựng mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do VCCI và Quỹ TAF khởi xướng và tài trợ từ UPS từ năm 2021.
Tại hội chợ có 28 doanh nghiệp trong 5 nhóm ngành tham gia trưng bày các sản phẩm, công nghệ, giải pháp thích ứng BĐKH tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mục tiêu của hội chợ nhằm thông qua trưng bày và giới thiệu các mô hình, sản phẩm, dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH; nêu cao vai trò của khối tư nhân vào việc nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, kinh doanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL; mở ra các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực thích ứng BĐKH trong thời gian tới.
Nhận diện thách thức
ĐBSCL là một trong 03 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương bởi lũ lụt, nước biển dâng. Thực tế tại ĐBSCL năm 2022 cho thấy rằng, hiện tượng ngập lụt, sụt lún tại ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Theo dự báo, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác.
Bên cạnh đó, thời gian qua, BĐKH nói chung và hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán và ngập lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến việc nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông sản cũng như gây tác hại nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống của người dân của vùng ĐBSCL.
Một khảo sát gần đây cho thấy, BĐKH đã gây thiệt hại vùng cây ăn trái tại một số tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang lên đến 30.000ha cây ăn trái trong mùa vụ 2019 -2020 so với đợt hạn năm 2015 -2016.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết: Nếu không có những giải pháp từ xa, nền tảng và căn cơ cho việc thích ứng thì ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng, tìm cách thích ứng với BĐKH, trong đó doanh nghiệp là lực lượng quan trọng, cần sự chủ động, linh hoạt để tránh những thiệt hại là rất cần thiết.
“Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng vưới BĐKH được thành lập từ tháng 5/2022 là mạng lưới đầu tiên trên cả nước, nhằm tập hợp tiếp nói của doanh nghiệp khu vực ĐBSCL trong việc chủ động tham gia sâu hơn quá trình xây dựng chính sách thích ứng BĐKH; thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để cùng phát triển trong bối cảnh bất thường của thiên nhiên.”, ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.
Trong cái khó, không ngại tìm tòi
“Trong cái khó, không ngại tìm tòi” là đặc tính của người Việt Nam. Những sản phẩm tại Hội chợ sản phẩm, giải pháp thích ứng BĐKH ĐBSCL đã minh chứng cho điều đó.
Ông Phạm Đình Ngãi - CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (SOKFARM) - một trong những doanh nghiệp thu hút nhiều khách tham gia đến tìm hiểu sản phẩm tại hội chợ, chia sẻ: Cây dừa là một loại cây trồng quen thuộc đối với người dân miền Tây và chiếm 80% sản lượng dừa cả nước. Tuy nhiên, trước BĐKH, những vùng trồng cây dừa giáp với vùng bị nhiễm mặn sẽ giảm nâng suất trái từ 30 - 70%.
“Chúng ta nhận thấy rằng, khi bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trái dừa bị teo lại, nhưng hoa dừa vẫn ra bình thường. Để tìm giải pháp trước thách thức này, chúng tôi đã thu mật tùy hoa trước khi cây dừa ra trái để thích ứng với quá trình BĐKH. Mô hình trồng dừa thu mật này giúp người dân tăng thu nhập gấp 3 – 5 lần mô hình trồng dừa thu trái. Bên cạnh đó, từ mật dừa có thể biến thành 30 sản phẩm đem lại thu nhập cao cho người dân.”, ông Ngãi chia sẻ sản phẩm mật dừa cải thiện sinh kế cho người dân.
Chia sẻ về giải pháp xây dựng sản phẩm phù hợp với quá trình BĐKH, ông Lê Văn Tú, Phó Giám đốc Sáng lập Công ty Cổ phần TNB Việt Nam cho biết: Trước BĐKH, nhiều doanh nghiệp đi tìm giải pháp cho bài toán làm sao chuyển đổi cây trồng có thể thích ứng với quá trình này, đồng thời đảm bảo 3 yếu tố là cải thiện kế sinh nhai, phù hợp với biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dùng. Chúng tôi nhận ra, cây khổ qua đáp ứng được 3 yếu tố đó. Như chúng ta biết, khổ qua là loài cây rất dễ trồng, dễ phát triển và cho ra quả rất nhanh; tất cả các bộ phận thân, lá, quả của khổ qua rừng đều được sử dụng để làm vị thuốc. Chính vì thế, qua nhiều thời gian nghiên cứu, Công ty đã bào chế thành công ít Viên uống Mudaru– Viên uống mướp đắng rừng với nhiều giải pháp bảo vệ sức khỏe và giúp nông dân có thu nhập cao.
Trong chuỗi sự kiện, còn có chương trình "Ráp mối kinh doanh các công ngệ trong lĩnh vực nuôi tôm và chế biến nông thủy sản ĐBSCL- Giới thiệu công nghệ mới; sản phẩm mới thích ứng với BĐKH" và Diễn đàn “Tác động hạn mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp ĐBSCL – Giải pháp thích ứng”.