Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt vươn tầm thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng hóa mang thương hiệu Việt đang từng bước vươn ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, độ phủ sóng của các sản phẩm Việt Nam vẫn chưa cao trên thị trường quốc tế do khâu xây dựng thương hiệu chưa thực sự được quan tâm.

Khi doanh nghiệp Việt ra "biển lớn"

Giữa tháng 8/2023, cổ phiếu VinFast đã chính thức được đưa lên sàn chứng khoán Nasdaq - New York (Mỹ). Sự kiện này đánh dấu việc VinFast chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, với hơn 23 tỷ USD.

Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, thương hiệu cà phê Việt Nam King Coffee đã thâm nhập thành công vào hệ thống Costco Wholesale, chuỗi cung ứng bán buôn lớn nhất tại Mỹ và tiếp tục có kế hoạch thâm nhập hầu hết các bang nước Mỹ. Được biết, năm 2016 sản phẩm cà phê nhãn hiệu King Coffee ra mắt tại Mỹ, đến nay đã phát triển tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc…

Vải Lục Ngạn bán tại hệ thống siêu thị Úc. Ảnh: Hoài Nam
Vải Lục Ngạn bán tại hệ thống siêu thị Úc. Ảnh: Hoài Nam

Thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt đã thâm nhập thành công thị trường quốc tế. Thông tin từ công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), từ năm 2016. doanh nghiệp đã đưa sản phẩm sữa đặc và creamer đặc lên kệ siêu thị ở bang Arizona và California (Mỹ). Điều này khiến nhiều người bất ngờ, bởi Mỹ là cường quốc về sản xuất và chế biến sữa với hàng ngàn thương hiệu khác nhau. Đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và được định giá thương hiệu lên đến 2,8 tỷ USD.

Việc sản phẩm Việt khẳng định trên thị trường thế giới đã khiến giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng gia tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh Brand Finance cho thấy, nếu như năm 2016, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 141 tỉ USD, thì đến năm 2021 đạt 388 tỉ USD, đến năm 2022 đạt giá trị lên đến 431 tỉ USD.

Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm nhượng quyền và cấp phép châu Á (FLAsia 2023). Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm nhượng quyền và cấp phép châu Á (FLAsia 2023). Ảnh: Hoài Nam

Trong Bảng đánh giá Top 100 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finance, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2022, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 32/100.

Còn những việc phải làm

Mặc dù nhiều thương hiệu Việt đã vươn ra thế giới thế nhưng nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vẫn mang thương hiệu nước ngoài. Đa phần doanh nghiệp Việt đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên thường sử dụng hình thức xuất khẩu thông qua gia công hoặc xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, sau đó nguyên liệu được đối tác đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ.

Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Huyền Mai cho hay, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều dưới dạng gia công, doanh nghiệp sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng nước sở tại. Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do nhà phân phối như Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood.

Sản phẩm cà phê Việt bán tại siêu thị Úc. Ảnh: Hoài Nam
Sản phẩm cà phê Việt bán tại siêu thị Úc. Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù Việt Nam là quốc gia tốp đầu trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu cà phê thế nhưng chưa nhiều khách hàng nước ngoài biết đến. Theo Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường- Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Đào Thu Trang, nhiều người Đức vẫn chưa biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong khi những gói cà phê họ sử dụng hằng ngày được xuất thô từ Việt Nam.

Phân tích nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt chấp nhận gia công sản phẩm cho đối tác ngoại, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh nêu rõ, hiện nhiều doanh nghiệp trong quá trình sản xuất khi có những đơn hàng lớn thường có tâm lý “an phận thủ thường xuất khẩu nguyên liệu thô” nên không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng mà đơn vị sẽ được hưởng nếu xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính, nhân lực, và tư duy chiến lược để có thể làm thương hiệu cho riêng mình nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức của các cơ quan chức năng.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều cánh cửa ra thị trường thế giới được mở qua các hiệp định thương mại tự do; xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để hàng hóa Việt Nam duy trì thị phần tại thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm nhượng quyền và cấp phép châu Á (FLAsia 2023). Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm nhượng quyền và cấp phép châu Á (FLAsia 2023). Ảnh: Hoài Nam

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu- Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Nguyễn Thị Thu Thủy, để xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam phải có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan. Theo đó, sản phẩm cần đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường. “Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia đến năm 2030 nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ những chính sách này để xây dựng thương hiệu”- bà Thủy khuyến cáo.