Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng thương hiệu mạnh miến dong Minh Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, miến dong Minh Hồng, xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế trên thị trường bởi chất lượng và hương vị thơm, ngon.

Sản xuất miến giúp cho nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Vùng đất của cây dong riềng

Thôn Minh Hồng từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng và chế biến miến dong. Hoạt động sản xuất miến nơi đây luôn diễn ra sôi động quanh năm. Khắp trong nhà, ngoài sân những phên miến được phơi thành hàng. Ông Nguyễn Văn Duẫn – Trưởng thôn – Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng chia sẻ, để làm được miến ngon, đảm bảo chất lượng nhất thiết phải lọc bột thật sạch. Khi đánh bột phải pha theo tỷ lệ chính xác để  lúc tráng phải chín đều, sợi miến trong, dai, không gãy. Miến dong Minh Hồng từ lâu đã có vị thơm, ngon và dai đặc trưng mà ít địa phương khác có thể làm được. Có lẽ do thổ nhưỡng vùng đất ven núi Tản, sông Đà đã làm nên sự khác biệt này. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài các công đoạn sản xuất miến ở đây đều làm theo thủ công, mỗi ngày một hộ chỉ sản xuất được khoảng 15kg miến. Dù có được sản phẩm miến ngon nhưng người dân vẫn chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề trồng dong riềng và sản xuất tinh bột nên sản phẩm “miến dong Minh Hồng” ít người biết đến.
Ông Nguyễn Văn Duẫn - Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng đang kiểm tra sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Duẫn - Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng đang kiểm tra sản phẩm.
Năm 2001, sau khi được Sở KH&CN Hà Tây (cũ) cấp bằng công nhận làng nghề thì nghề trồng dong riềng, chế biến tinh bột và làm miến Minh Hồng mới phát triển mạnh. Hiện nay, toàn thôn có 289 hộ thì có tới 193 hộ tham gia chế biến tinh bột và sản xuất miến. Những hộ còn lại dù không sản xuất nhưng đều trồng loại cây này. Ưu điểm của dong riềng là dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, càng nắng hanh thì củ càng cho bột trắng và thơm hơn. Đến nay, diện tích cây dong riềng của Minh Hồng là 180 ha.

Hiệu quả kinh tế cao

Dong riềng được trồng quanh năm, nhưng vụ chính là từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch và thu hoạch nhiều nhất từ tháng 9 Âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Vào mùa thu hoạch dong riềng, cả thôn luôn tất bật. Các nhà có nương trên núi phải huy động mọi phương tiện để chở củ dong riềng về xưởng sơ chế, rồi chế biến tinh bột. Với chất lượng tốt, nên bao nhiêu tinh bột người Minh Hồng sản xuất đều được thương lái đến thu mua để bán cho các nhà máy chế biến bánh kẹo. Trung bình, một sào dong riềng cho khoảng 4 tạ bột tươi. Với giá bán 2,2 triệu đồng/tạ, dong riềng cho thu nhập 8,8 triệu đồng/sào. Ngoài bột, nhiều hộ còn ươm mầm để bán cho các vùng bị khô hạn cũng được giá 400.000 đồng/tạ mầm. Hiện nay, người làm miến dong Minh Hồng đã đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất nên lượng miến cũng đã tăng lên, trung bình mỗi năm một hộ sản xuất được 50 tấn miến. Để đảm bảo ATVSTP và chất lượng sản phẩm, các hộ làm miến Minh Hồng đều cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại. Nhờ đó, miến dong Minh Hồng luôn được bạn hàng ưa chuộng, sản xuất đến đâu bán hết đến đấy. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, nhu cầu thị trường cao nên nhiều gia đình không có miến để bán. Miến dong Minh Hồng được bao gói cẩn thận ghi rõ họ tên, địa chỉ số điện thoại hộ sản xuất… chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, TP trong cả nước. Nhiều nhất là quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long – Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình… với giá bán buôn 50.000 đồng/kg. Trong thôn, nhiều hộ có doanh thu hàng năm từ miến khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Nghề làm miến đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở Minh Hồng. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, các gia đình đều mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và đầu tư cho con cái học hành đỗ đạt.

Nâng chất lượng sản phẩm

Để giúp cho làng nghề thêm phát triển, những năm qua Đảng ủy xã Minh Quang đã ban hành Nghị quyết về phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu miến dong Minh Hồng.

Theo đó, xã tiếp tục xác định dong riềng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Xã cũng đặt ra mục tiêu diện tích quay vòng hàng năm đối với cây dong riềng giữ mức ổn định là 180ha. Cùng với việc quảng bá sản phẩm, địa phương chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng, ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình chế biến. Với sự quan tâm của chính quyền các cấp từ hỗ trợ, xây dựng thương hiệu bảo vệ sản phẩm sẽ giúp miến dong Minh Hồng nâng cao tính cạnh tranh vươn xa trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa.
Người làm miến đã có cuộc sống sung túc
Xây dựng thương hiệu mạnh miến dong Minh Hồng - Ảnh 1Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả kinh tế của vùng nguyên liệu miến dong Minh Hồng?
- Thôn Minh Hồng có 289 hộ, với 1.387 khẩu sống chủ yếu bằng nghề chế biến tinh bột. Mỗi ngày, cả thôn chế biến được 48.600kg bột và khoảng 2,5 tấn miến. Thu nhập từ miến mang lại cao gấp 15 - 20 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, miến dong Minh Hồng là sản phẩm ngon, sạch, đảm bảo chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn. Nghề làm miến dong ở Minh Hồng đã đem lại cuộc sống khá sung túc, đầy đủ cho người dân nơi đây.
Hiệu quả và chất lượng sản phẩm tốt, vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến miến dong Minh Hồng chưa được công nhận nhãn hiệu tập thể?
- Cái khó của người làm miến thôn Minh Hồng là ở khâu sản xuất còn manh mún, chưa tập trung, thiếu diện tích để làm sân phơi, quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, lượng chất thải trong quá trình làm miến chưa có cách xử lý hiệu quả và quan trọng là thị trường chưa thật ổn định. “Miến dong Minh Hồng” vì sao chưa được công nhận nhãn hiệu tập thể (NHTT) có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Đó là sản xuất miến dong Minh Hồng còn thô sơ, đơn lẻ. Sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao vẫn “mạnh ai nấy làm”, không có đại diện thu mua sản phẩm, giao thương và đại diện pháp lý cho làng nghề. Vì vậy, khiến cho khoảng 80% sản lượng miến sản xuất ra rơi vào tay thương lái. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu làng nghề và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện không ít cửa hàng kinh doanh sản phẩm miến dong Minh Hồng nhưng không phải do người Minh Hồng làm ra.
Bên cạnh những thuận lợi thì người làm miến dong Minh Hồng vẫn còn không ít khó khăn. Xin ông cho biết UBND huyện Ba Vì đã có những cơ chế chính sách gì để hỗ trợ cho bà con?
- Những năm qua, Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Ba Vì luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng các làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước tạo lập được nghề ổn định giúp bà con nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở KH&CN Hà Nội triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển NHTT miến dong Minh Hồng” xã Minh Quang. Từ tháng 6/2014 đến nay, đã tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ, quản lý và sử dụng NHTT, quy trình sản xuất thu hút hàng trăm lượt người dân tham gia. Dự kiến, trong tháng 5/2016 NHTT “miến dong Minh Hồng” sẽ được công bố.  Cũng thông qua tập huấn, chuyển giao kiến thúc người dân đã dần nhận thức được mục đích, vai trò và sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu nông sản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Chu Đức Tính thực hiện