Thịnh vượng nhờ xây dựng thương hiệu quốc gia
Tại Việt Nam, Chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia đã được ban hành từ năm 2003, với mục tiêu xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao. Trong khi đó, tại Hà Nội, vấn đề xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống, thương hiệu "gạo Hà Nội" đã được UBND TP đặc biệt quan tâm với nhiều ưu đãi về chính sách và ngân sách. Qua tìm hiểu bí quyết xây dựng thương hiệu quốc gia của Thuỵ Sĩ, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Là một đất nước có diện tích nhỏ bé, nhưng Thụy Sĩ lại là một trong những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Sự thịnh vượng của Thụy Sĩ không đến từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có mà ngược lại chính những thương hiệu được đánh giá là mạnh nhất thế giới như Ngân hàng UBS và Credit Suisse, đồng hồ Rolex, Omega, Tissot,... đã đem lại lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế nước này. Trong bối cảnh đầy bất ổn của kinh tế toàn cầu, thương hiệu của một doanh nghiệp đơn lẻ như các công ty trên không thể đứng vững nếu thiếu sự hỗ trợ của thương hiệu quốc gia mạnh. Thụy Sĩ đã và đang rất thành công trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, tạo đà cho hàng hóa và dịch vụ có xuất xứ Thụy Sĩ chiếm lĩnh vị trí cao và thị phần lớn trên thị trường quốc tế.
Bảo chứng cho chất lượng
Không phải ngẫu nhiên mà Thụy Sĩ được FutureBrand xếp ở vị trí thứ 5 trong danh sách các thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới. Thành công này đạt được chủ yếu nhờ Chính phủ đã thành lập các tổ chức điều phối hoạt động hợp tác giữa khu vực công và tư nhằm xây dựng và quảng bá hiệu quả thương hiệu của doanh nghiệp gắn với thương hiệu quốc gia. Tổ chức Presence Switzerland ra đời từ năm 2001, đến năm 2009 đã nằm dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhằm điều hành, hợp tác với các cơ quan trong chính quyền Liên bang, các tổ chức truyền thông quốc tế và các doanh nghiệp Thụy Sĩ để xúc tiến các chương trình truyền bá thương hiệu. Các tổ chức trực thuộc Presence Switzerland được ra đời với sứ mệnh hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như Swissnex là một mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu, giúp thúc đẩy phát triển du lịch, xúc tiến xuất khẩu, vạch ra các chiến lược, đồng thời thực hiện các chương trình nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu hút nhân tài thông qua việc hỗ trợ các cá nhân có trình độ cao có cơ hội thực tập cũng như làm việc tại Thụy Sĩ.
Bên cạnh hệ thống điều hành hợp lý, chiến lược truyền thông quốc tế hiệu quả chính là chìa khóa giúp Thụy Sĩ thành công trong xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Chương trình thương hiệu quốc gia, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và Presence Switzerland đã lựa chọn các quốc gia trọng điểm, xác định rõ những mục tiêu của từng chiến lược. Trên cơ sở đó, các đại sứ thương hiệu, các ấn phẩm xúc tiến thương mại,... sẽ được lựa chọn kỹ càng, bám sát mục tiêu đề ra. Thông qua các chiến lược truyền thông này, cả thế giới đã biết đến các thương hiệu đồng hồ của Thụy Sĩ sang trọng, lịch lãm, đẳng cấp,... gắn liền với những ngôi sao tên tuổi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, làm nổi bật thương hiệu quốc gia của Thuỵ Sĩ với nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định, chất lượng đời sống cao... Ngược lại, thương hiệu quốc gia Thụy Sĩ như một thứ bảo chứng cho chất lượng tuyệt hảo của các sản phẩm được ra đời tại đây.