Xây dựng thương hiệu “Đặc sản gà đồi Ba Vì”

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi gà đồi nói riêng của huyện Ba Vì khá phát triển.

Hoạt động này đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở địa phương và các vùng lân cận.

Hình thức chăn nuôi gà đồi đã và đang dần thay thế hình thức chăn nuôi quảng canh và công nghiệp. Vị trí của chăn nuôi gà đồi ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện.

Tiềm năng và lợi thế

Ba Vì là huyện miền núi có khí hậu mát mẻ, diện tích vườn đồi lớn, là địa thế “vàng” để phát triển chăn nuôi gà đồi. Đây chính là nguồn cung cấp thịt thương phẩm dồi dào, ổn định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch của người dân Thủ đô. Hiện tại, quy mô chăn nuôi hộ gia đình bình quân từ 100 - 500 con gà thịt/hộ, quy mô chăn nuôi trang trại từ 2.000 - 10.000 con/trang trại, tập trung tại các xã vùng đồi gò. Số lượng trang trại chăn nuôi lớn chủ yếu ở các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng… Ông Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy An - cho biết, Thụy An có diện tích hơn 1.647ha, với trên 2.200 hộ. Đất vườn đồi trên địa bàn xã, bình quân mỗi hộ có từ vài sào đến vài hecta. Nhờ tiềm năng về đất vườn, toàn xã có trên 1.000 hộ chăn nuôi gà, chiếm khoảng 50% số hộ trong toàn xã với tổng đàn trên 400.000 con.
Một cơ sở chăn thả gà đồi Ba Vì trên địa bàn huyện. Ảnh: Bình Minh
Một cơ sở chăn thả gà đồi Ba Vì trên địa bàn huyện. Ảnh: Bình Minh
Giống gà được chăn nuôi ở Ba Vì chủ yếu là gà ri lai mía. Giống này gà trống có lông màu đỏ sẫm bóng mượt xen lẫn màu đen ở cánh và đuôi, chân vừa phải, màu vàng. Trọng lượng khi trưởng thành đạt từ 2 - 2,3kg. Gà mái có màu trắng đục hoặc màu pha nâu trắng, trọng lượng khi trưởng thành xuất bán từ 1,5 - 1,8kg. Khác với chăn nuôi gà ở các vùng đồng bằng có diện tích đất nhỏ hẹp, gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đất đồi gò rộng có bóng mát của cây cối. Thức ăn cho gà ở giai đoạn đầu là thức ăn công nghiệp.Từ khi được 2 tháng tuổi, gà được nuôi bằng thức ăn phối trộn ngô, đỗ tương xay, dầu cá, bã bia. Ngoài ra, gà còn được thả rông trong vườn để tự do “chạy nhảy” đào bới kiếm mồi là giun dế và côn trùng … Nhờ đó,  thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ nạc cao. Bên cạnh đó, hàng năm các hộ nuôi gà đều được Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội tập huấn kiến thức về kỹ thuật nuôi gà thả vườn theo hướng VietGap. Đó là các kiến thức từ khâu chọn lựa con giống, chọn thức ăn, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà. Nhờ đó, đàn gà của các hộ chăn nuôi trên địa bàn luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, giữ được tổng đàn từ khi đưa vào úm cho đến khi xuất bán. Chị Nguyễn Thị Bài ở thôn Liên Minh, xã Thụy An cho biết, gia đình chị có diện tích đất vườn đồi hơn 33.000m2  mỗi năm chị nuôi khoảng 10.000 con. Trong quá trình nuôi gà,  gia đình chị đều áp dụng các biện pháp chăn nuôi gà theo hướng VietGap. Do được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đàn gà luôn khỏe mạnh. Trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 150 triệu đồng.

Xây dựng thương hiệu mở rộng thị trường

Theo ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì - Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì (Hội) được thành lập theo Quyết định số 7218/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND TP Hà Nội. Hội ra đời với mục đích giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, Hội có trên 60 hội viên. Các hội viên tham gia chủ yếu là các hộ nông dân trực tiếp chăn nuôi, tiêu thụ gà đồi tại các xã trọng điểm nuôi gà của huyện là Thụy An, Cẩm Lĩnh và các hộ chăn nuôi, ấp nở và tiêu thụ sản phẩm gà thịt trên địa bàn huyện.

Để nâng cao kiến thức và học hỏi thêm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gà cho các hội viên, năm 2015, Hội đã tổ chức đưa hội viên đi tham quan thực tế một số mô hình giết mổ nhỏ của cơ sở “Gà ngon 88” tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Hội viên cũng đã tham quan mô hình nuôi gà Phùng Giầu Sơn tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Thăm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và mô hình gà đồi Yên Thế tại Bắc Giang, cơ sở giết mổ Lan Vinh tại Gia Lâm... Hiện tại, Hội đã ký kết sơ bộ với một số cơ sở bán buôn, bán lẻ và nhà phân phối sản phẩm trên địa bàn Hà Nội. Phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Trung tâm Xúc tiến thương mại TP Hà nội tổ chức cho các DN tham quan các mô hình chăn nuôi gà của hội. Qua đó, hội đã kết nối được với một số cơ sở và DN tiêu thụ gà cho hội viên. Hội đã ký hợp đồng với hệ thống phân phối Mr. Sạch tiêu thụ khoảng 40 tấn gà sạch trong 6 tháng cuối năm 2016.

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ chăn nuôi gà nói chung và hội viên nói riêng hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ gà đồi Ba Vì. Qua đó, từng bước đảm bảo chất lượng của sản phẩm gà đồi Ba Vì. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết với các DN sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, các DN giết mổ, cũng như  các DN sản xuất và cung cấp thuốc thú y để giúp hội viên có nguồn đầu vào và đầu ra ổn định, phục vụ tốt việc chăn nuôi gà an toàn theo hướng VietGap. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gà đồi Ba Vì trên thị trường.

Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay “Gà đồi Ba Vì” vẫn đang được tiêu thụ tự do, chủ yếu qua thương lái với giá bán từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Mong muốn lớn nhất của những người chăn nuôi gà ở Ba Vì là sản phẩm “Gà đồi Ba Vì” sẽ có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị lớn để người tiêu dùng Thủ đô được thưởng thức sản phẩm gà đồi mang thương hiệu Ba Vì. Đồng thời qua đó, từng bước mở rộng thị trường hỗ trợ hoạt động sản xuất của người chăn nuôi ngày càng phát triển nâng cao thu nhập và đời sống.
Cho phép đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Ba Vì”

Ngày 20/6/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3249/QĐ-UBND, cho phép sử dụng tên địa danh “Ba Vì” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Ba Vì”. Nội dung quyết định cho phép Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì được sử dụng tên địa danh “Ba Vì”, kèm theo bản đồ khu vực địa lý tương ứng đã được UBND huyện Ba Vì xác nhận để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Ba Vì” cho sản phẩm gà đồi của huyện Ba Vì.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần