Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng văn bản pháp luật: Nhiều quy định xa rời thực tế

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quy định pháp luật liên quan đến việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt liên quan đến uống rượu bia, xử phạt người có lời nói hoặc hành động xúc phạm người sinh con một bề, chê người béo lùn bị phạt... rất khó thực thi trong cuộc sống. Thậm chí, có những quy định đến nay không còn phát huy tác dụng.

Mặc dù đã có biển cấm hút thuốc lá nhưng vẫn có nhiều người cố tình không chấp hành. Ảnh: Duy Tính
Khó xử phạt
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế" có hiệu lực từ ngày 15/11 tới; đáng chú ý là việc xử phạt liên quan đến uống rượu bia và sinh con một bề. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt từ 1 - 3 triệu đồng nếu ép buộc người khác uống rượu bia. Theo thống kê, có đến 80% dân số Việt Nam từng sử dụng rượu bia; nhưng có bao nhiêu người chủ động, tự nguyện, bởi trong các cuộc nhậu, phần lớn uống vì quan hệ, vì nể và bị ép. Nếu áp dụng Nghị định 117, ai sẽ chịu mức phạt nào?

Tương tự, người có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai hoặc người sinh toàn con trai hay sinh toàn con gái sẽ bị phạt từ 200.000 – 500.000 đồng (quy định này đã tăng so với quy định hiện nay là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng tại Khoản 1 Điều 85 Nghị định 176/2013). Mặc dù có quy định xử phạt từ năm 2013, đã có ai bị phạt vì việc chê nhau sinh con một bề? Nay nâng lên đến 500.000 đồng, liệu có thêm tính răn đe nếu vẫn chưa có người bị xử phạt làm gương.

Cộng đồng mạng từng ồn ào chia sẻ việc chê người khác mập, xấu có thể bị phạt tới 16 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định... Như vậy, có thể thấy ngoài tính mạng, sức khỏe thì danh dự, nhân phẩm của một cá nhân cũng được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan và thực tế thì hành vi chê người khác mập, xấu rất khó có cơ sở để xử lý.

Một trường hợp khác, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cụ thể về những địa điểm cấm hút thuốc lá, nhưng tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Những hành vi: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá, sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Phạt tiền từ 500.000 - 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá. Chế tài đã có, tuy nhiên, thực tế triển khai lại chưa mang lại hiệu quả.

Để luật đi vào cuộc sống
Theo các chuyên gia luật, có thêm văn bản pháp luật để định hướng ứng xử những hành vi văn hóa là rất đáng quý, tuy nhiên, làm sao để đưa những quy định này vào cuộc sống mới khó.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH CHD LAW cho rằng, hiện vẫn còn rất nhiều quy định thiếu tính thực tiễn, không có hiệu quả thực thi trong cuộc sống, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. Cụ thể: Có một số quy định thiếu tính thực tế, luật quy định một kiểu nhưng thực tiễn lại một kiểu khác. Hệ quả là khi ban hành, người dân (đối tượng chịu sự điều chỉnh) phản đối mạnh mẽ, hoặc quy định cho có rồi sau đấy chẳng để làm gì, cũng chưa có cơ quan nào đánh giá xem tính hiệu quả ra sao để rút kinh nghiệm. Ví dụ như: Quy định trang bị bình chữa cháy trên ô tô (Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an). Quy định này ngay từ khi ban hành đã vấp phải sự phản đối của người dân bởi lẽ, khi xảy ra sự cố như hỏa hoạn, bình chữa cháy mini không thể phát huy hiệu quả, chưa kể chính bình chữa cháy lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do để trên xe và trong điều kiện thời tiết mùa hè nhiệt độ lên đến 50 - 60oC trong xe.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp văn bản ban hành được đánh giá cần thiết, hợp lý nhưng thực thi lại kém hiệu quả, thậm chí là bất khả thi trong thực tiễn, càng làm rõ hơn sự bất hợp lý trong công tác xây dựng, ban hành văn bản luật. Ví dụ như: Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, phạt tới 7 triệu đồng với hành vi xả rác, vứt tàn thuốc không đúng quy định, tiểu bậy… Rõ ràng, quy định này được người dân ủng hộ vì tình trạng ô nhiễm, vứt rác, hút thuốc, tiểu bậy không chỉ nghiêm trọng ở thành thị mà khu vực nông thôn cũng diễn ra gây bức xúc, cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý. Mặc dù quy định có tính răn đe nhưng khả năng áp dụng là cả một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, ai là người được quyền xử phạt, theo hình thức nào, việc giám sát và đảm bảo người bị xử phạt nộp tiền ra sao?

“Để luật đi vào cuộc sống, đội ngũ xây dựng luật phải bám sát cuộc sống, thực tiễn, tuân thủ quy trình xây dựng và thẩm định văn bản để kịp thời chỉnh sửa, loại bỏ các văn bản, quy định không phù hợp thực tiễn. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân để người dân hiểu đúng, đầy đủ, từ đó áp dụng pháp luật thống nhất. Để phù hợp với thực tiễn, cần thiết phải lấy ý kiến, công bố rộng rãi dự thảo để người dân được quyền biết, đóng góp ý kiến, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng, soạn thảo, áp dụng pháp luật” - luật sư Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Một số quy định pháp luật áp dụng trong cuộc sống chưa được thực thi nghiêm túc. Cụ thể, quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã ban hành nhưng không triệt để vì xử phạt không nghiêm, việc tuyên truyền từ cộng đồng chưa quyết liệt. Ý thức chấp hành luật và sự giám sát của cơ quan chức năng chưa đủ răn đe. Thậm chí, ngay cả những cơ quan công quyền cũng có nhiều người hút thuốc lá không theo quy định. Ý thức người dân chấp hành không cao nên việc hút thuốc lá vẫn diễn ra ở nơi công cộng, ảnh hưởng đến những người xung quanh, gây nguy cơ cháy nổ.
TS Hoàng Mỹ Nhi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Việc ban hành một số quy định như: Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt liên quan đến uống rượu bia, chê người sinh con một bề… rất khó thực thi trong cuộc sống. Những quy định này đều đưa ra nhưng chưa có chế tài xử phạt hoặc có nhưng không quy định rõ các bên thực hiện, triển khai, giám sát, do vậy khó triển khai trên thực tế. Người dân không những khó thực hiện mà còn tạo thành tiền lệ, "làm cho có, quy định cho vui". Do vậy, theo tôi, những quy định cần thiết mới đưa vào cuộc sống, áp dụng được cho số đông, không phải cái gì cũng có thể đưa được vào quy định.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Khu đô thị Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm)