Xây dựng văn hóa giao thông nhờ tình yêu xe buýt

Nguyễn Văn Công (Thôn Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Việt Nam hiện là một trong những nước sử dụng xe máy nhiều nhất thế giới.

Thực tế xe máy không phải là phương tiện giao thông của tương lai bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy, cần làm gì để người dân chủ động tìm đến phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt? Theo nhiều chuyên gia, mỗi người dân đô thị cần chủ động "góp một chiếc lá xanh để làm cho Hà Nội thêm xanh - sạch - đẹp" bằng việc ủng hộ sử dụng xe buýt.
 “Hung thần” xe máy
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã từng phải đối mặt với vấn nạn TNGT mà điển hình là Nhật Bản những năm 1960 - 1970. Khi đó, các phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ mạnh mà chủ yếu là xe máy, khiến số người chết do TNGT ở Nhật Bản những năm này còn cao hơn cả số người chết trong chiến tranh Thanh - Nhật cuối thế kỷ XIX! Sau đó, Nhật Bản đã có những biện pháp cải tổ quyết liệt như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục luật giao thông và đặc biệt là hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng. Chính những biện pháp cứng rắn này đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những đất nước có hệ thống giao thông an toàn, hiện đại nhất thế giới.
 Xe buýt hoạt động trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Ở Việt Nam, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là xe máy. Tại các TP lớn như Hà Nội, số lượng xe máy gần bằng số dân. Hiện nay, Thủ đô có khoảng 5,5 triệu phương tiện cá nhân gây ra tình trạng tắc đường nghiêm trọng không chỉ trong giờ cao điểm. Điều đáng nói, xe máy chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT nhất do tính cơ động có thể luồn lách rẽ hướng dễ dàng, điều khiển theo cảm hứng của mình mà bất chấp pháp luật.
Khi đi cùng các phương tiện giao thông khác cao lớn hơn, xe máy thấp hơn dễ trở thành “con mồi” của những "hung thần" này. Ngoài ra, xe hai bánh luôn phải giữ thăng bằng, đối với phụ nữ, người lớn tuổi là khá khó khăn. Trong khi đó, xe bốn bánh không phải giữ thăng bằng, người điểu khiển được bao bọc trong một “chiếc hộp” an toàn, bắt buộc phải đi theo luồng không dễ để vượt và lấn làn nên ít gây tình trạng lộn xộn giao thông.
Tuyên truyền giáo dục như thế nào?
Tại Hà Nội, vận tải hành khách bằng xe buýt hiện chỉ chiếm khoảng trên 10%. Trong khi trên thực tế với 65 tuyến buýt có trợ giá phủ tới tất cả các huyện ngoại thành, xe buýt có thể vận tải được nhiều hơn như thế.
Không ít chuyến xe buýt vào giờ cao điểm chỉ có lác đác vài hành khách, nhiều ghế ngồi cho khách để thừa, cho dù dịch vụ xe buýt Hà Nội hiện nay đã được nâng cấp rất nhiều (sạch sẽ, đúng giờ, wifi…). Vậy, tại sao lại có hiện tượng này?
Một phần không nhỏ đó là do nhận thức của người dân còn chưa đúng. Có rất nhiều người sử dụng xe máy vì sĩ diện có phương tiện riêng, coi việc đi xe buýt là phụ thuộc, là người "không có điều kiện". Thậm chí, có nhiều bạn trẻ lên đời xe máy liên tục chỉ để thể hiện quan điểm đi xe máy riêng là cá tính, là đẳng cấp. Chính những quan điểm lệch lạc đó đang làm cho tình trạng giao thông thêm hỗn loạn, TNGT tăng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết. Vì thế, cần phải có biện pháp tuyên truyền mạnh, như đề ra nhiều khẩu hiệu như: “Người Hà Nội ưu tiên sử dụng xe buýt”,  “Đi xe buýt chính là thể hiện tình yêu Hà Nội”... treo ở nhiều nơi trên TP để thay đổi nhận thức của người dân.
Cần làm rõ vấn đề tại sao đi xe buýt mất nhiều thời gian. Đây là một câu trả lời thường thấy của không ít người khi không lựa chọn xe buýt. Nguyên nhân chính là vì mỗi người đều chỉ nhìn thấy cái lợi ích nhỏ nhoi trước mắt mà không thấy cái lợi chung lâu dài. Xe buýt đi mất nhiều thời gian bởi vì có quá nhiều xe máy bủa vây, lượn lách, tạt đầu, rẽ đột ngột… Một chiếc xe máy như thế làm xe buýt phải đi chậm lại một chút. Trên hành trình từ điểm xuất phát đến điểm trả khách cuối cùng, xe buýt phải tránh, phải "cảnh giác" với hàng chục, thậm chí hàng trăm xe như thế, nên khó có thể đạt được tốc độ mong muốn.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam tháng 5/2016, đa phần mọi người chỉ để ý đến câu chuyện hướng nghiệp, khả năng lãnh đạo của Tổng thống Mỹ, nhưng chắc ít người nhớ đến câu nói rất hóm hỉnh của ông: "Tôi phải nói rằng tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe máy như thế khi đi trên đường Hà Nội. Tôi chưa thử cảm giác băng qua đường, và nếu sau này có dịp trở lại tôi sẽ cần các bạn chỉ cho cách qua đường thế nào". Vậy, chúng ta có nên tự hào vì là đất nước có nhiều xe máy hay không?
Hãy đưa tiêu chí đi xe buýt vào để đánh giá cán bộ tại các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ tiền vé xe buýt tháng đối với công chức, viên chức, phải có những tổ chức đi đầu thì phong trào mới lên mạnh mẽ được. Tại nhà trường cũng cần lồng ghép việc giáo dục ý nghĩa của xe buýt đối với học sinh, sinh viên thông qua các cuộc thi hùng biện, tọa đàm, sinh hoạt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần