70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn: Mở đường cho xuất khẩu nông sản bền vững

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản trị bài bản các vùng nguyên liệu nông sản, xây dựng mã số vùng trồng, lập cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm... là những hoạt động quan trọng mà ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến trong năm 2022.

Những cánh đồng an toàn, chất lượng cao

Tháng 2/2022, Tập đoàn Tân Long phối hợp UBND tỉnh An Giang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững tại tỉnh An Giang, đồng thời phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp để tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa.
Gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Dự kiến, ngay trong năm 2022 có khoảng 20.000ha lúa chất lượng cao được thiết lập, và đến năm 2025 có 60.000ha lúa được liên kết sản xuất chất lượng cao phục vụ nhà máy của Tân Long với sản lượng khoảng 300.000 tấn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá cho biết, kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới, sẽ mở ra cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ DN.

Hướng phát triển này giúp giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào ứng dụng đồng bộ công nghệ - khoa học kỹ thuật tạo nên những cánh đồng thông minh, và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại. Đây là các điều kiện quan trọng giúp tạo nên những sản phẩm gạo sạch, truy xuất nguồn gốc, giá trị cao và từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

Tại tỉnh Sơn La, hiện địa phương có 82.805ha cây ăn quả. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 220 mã số vùng trồng cây ăn quả, hơn 4.800ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, gồm 125 mã vùng xuất khẩu sang Trung Quốc, 47 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 48 mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand.

 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong năm 2021, Bộ đã cấp mới 334 mã số vùng trồng cho 8 loại sản phẩm nông nghiệp (gồm: Chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu) đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Đáng chú ý, hiện, Sơn La đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ với 3 chỉ dẫn địa lý, 18 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể, 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài.

Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 11,3 triệu USD so với năm 2021. Dự kiến sẽ xuất khẩu trên 28.000 tấn trái cây (xoài, nhãn, chuối, chanh leo, mận hậu, thanh long); xuất khẩu khoảng 120.000 tấn sản phẩm nông sản chế biến (chè, cà phê, tinh bột sắn, cao su).

Xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn

Với mục tiêu sản xuất nông sản quy mô lớn phục vụ chế biến xuất khẩu, trên cả nước, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, do chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các DN nên việc triển khai những chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ.

Đặc biệt là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Những vấn đề này là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thu nhập của người nông dân còn thấp.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Đề án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn 46 huyện, TP của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).

Trong giai đoạn 2022 - 2023, cả nước sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800ha. Cụ thể: 14.000ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; 22.900ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững ở vùng Duyên hải miền Trung; 19.700ha cà phê Tây Nguyên; 50.000ha lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; 60.200ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa DN, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu. Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất từ 5 - 10% cho các thành viên hợp tác xã và nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% và tăng giá trị từ 10 - 20%. Qua đó, tăng thu nhập 5 - 10% cho thành viên hợp tác xã và nông dân.

Bên cạnh đó, Đề án cũng tăng cường năng lực cho ít nhất 250 hợp tác xã nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu; phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các hợp tác xã, DN liên kết tiêu thụ. Đồng thời, thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường.

Cùng với đó, áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ, cà phê, lúa gạo, trái cây chất lượng cao; số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.