5 vùng nguyên liệu trải dài từ Bắc vào Nam
Thông tin từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến hình thành 5 vùng nguyên liệu trải dài từ Bắc vào Nam với tổng diện tích khoảng 16.000ha. 11 tỉnh, TP sẽ tham gia Đề án được xem là chưa từng có vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương.
Theo đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Sơn La và Hoà Bình, dự kiến phát triển chanh leo, xoài và dứa với quy mô 14.000ha. Duyên hải miền Trung từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế sẽ phát triển 22.900ha gỗ rừng trồng. Khu vực Tây Nguyên với trọng tâm là hai tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai sẽ tập trung canh tác 11.200ha cà phê.
50.000ha lúa chất lượng cao sẽ được phát triển tại khu vực Tứ Giác Long Xuyên thuộc các tỉnh: Kiên Giang, An Giang. Trong khi đó tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, vùng Đồng Tháp Mười sẽ tập trung sản xuất rau, cây ăn quả với quy mô diện tích 60.200ha.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, các địa điểm được lựa chọn để triển khai Đề án đều nằm trong quy hoạch vùng trồng và sản xuất nông nghiệp. Vùng dự án nằm trên địa bàn 75 xã của 50 huyện thuộc 11 tỉnh, TP. Dự kiến, sẽ có 17 DN chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 HTX và 185.000 hộ nông dân được hưởng lợi từ Đề án phát triển vùng chuyên canh nguyên liệu nông, lâm sản lớn trong 5 năm tới.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Một trong những yếu tố quan trọng có thể giúp Đề án sớm đi vào cuộc sống là việc xây dựng kế hoạch cụ để tổ chức triển khai các hợp phần. Ở đó, việc huy động nguồn lực và phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các thành phần kinh tế là yếu tố then chốt.
Theo nội dung Đề án vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương, có 5 hợp phần chính gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng nguyên liệu; Củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và các thành viên; Khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ; Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc; Thí điểm và triển khai cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ liên kết.
Đối với mỗi hợp phần, Bộ NN&PTNT đã xây dựng phương án về nguồn vốn và phân định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Đơn cử như đối với hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng nguyên liệu, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ 440 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của Bộ.
Trong khi đó, với hợp phần này, 11 tỉnh, TP tham gia Đề án cũng cam kết bố trí nguồn vốn đối ứng khoảng 348 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN, HTX trong vùng nguyên liệu cũng đã cam kết đối ứng 40,6 tỷ đồng và từ nguồn vốn vay tín dụng 20,8 tỷ đồng nhằm thực hiện các các dự án phát triển hạ tầng vùng sản xuất.
Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, tổng mức đầu tư để thực hiện Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021 - 2025 là gần 1.585 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ được huy động đa dạng từ ngân sách T.Ư (khoảng 32,72%), các địa phương (42,46%), nhóm DN và HTX (18,27%), còn lại 6,55% tổng đầu tư là vốn tín dụng.
Đối với việc tổ chức triển khai, các bộ ngành và chính quyền các cấp sẽ đóng vai trò định hướng, đầu tư hỗ trợ nâng cấp hạ tầng liên kết vùng nguyên liệu. Nông dân và thành viên các HTX sẽ đóng góp tư liệu sản xuất (ruộng đất) và lao động trực tiếp. Trong khi đó, 8 DN ban đầu sẽ đóng vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là bảo đảm việc bao tiêu sản phẩm cho các vùng nguyên liệu.
Doanh nghiệp và người dân đóng vai trò then chốt
Với việc định hướng phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản lớn của Bộ NN&PTNT, các chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng thực trạng bấy lâu nay của nền nông nghiệp là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ chấm dứt. Điệp khúc “được mùa mất giá” cũng sẽ không còn làm khó người nông dân nữa. Thay vào đó, sản xuất nông nghiệp sẽ đi theo tín hiệu của thị trường và nhu cầu của DN.
Vùng chuyên canh nguyên liệu sẽ cung cấp nông, lâm sản phục vụ chế biến, xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh. |
Ủng hộ Đề án của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá, việc hình thành vùng trồng lớn sẽ giúp loại bỏ phương thức sản xuất cũ. Hình thức sản xuất theo nhu cầu bán hàng đơn lẻ cũng sẽ dần bị đào thải. Bên cạnh đó còn giúp hình thành hệ thống chuỗi liên kết giữa DN, HTX với người nông dân.
Cũng theo các chuyên gia, muốn hình thành vùng nguyên liệu lớn cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với DN. Sở dĩ vậy là bởi chỉ các DN mới nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của thị trường để cung cấp vật tư đầu vào, giống và tiêu chuẩn kỹ thuật. Từ đó, bảo đảm sản phẩm của vùng chuyên canh đáp ứng được các yêu cầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu.
Tham góp ý kiến vào Đề án, TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng Bộ NN&PTNT cần huy động thêm nguồn lực xã hôi hoá. Cùng với đó là quản lý tốt nguồn vốn, kết hợp các nguồn lực đầu tư từ DN, HTX để tạo ra những mô hình canh tác tốt. TS Trần Công Thắng cũng kêu gọi đẩy mạnh số hoá trong quá trình tổ chức thực hiện, từ quản lý mã số vùng trồng đến ứng dụng khuyến nông điện tử.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản là một trong những chương trình phát triển lớn của Bộ trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ kỳ vọng việc triển khai có hiệu quả Đề án sẽ mang đến giải pháp căn cơ, góp phần giải quyết triệt để vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các địa phương; xóa bỏ tình trạng “được mùa mất giá” đang làm khó một bộ phận người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: Thành công của bất kỳ chương trình nào cũng phụ thuộc rất lớn vào người dân. Do đó, các địa phương cần tiếp tục thông tin, nâng cao vai trò của DN, HTX và người dân đối với mục tiêu, ý nghĩa của Đề án, hướng tới thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể.
“Cái thiếu đôi khi không phải ở công cụ, kỹ năng hay phương pháp, mà nằm ở thái độ, cách tiếp cận vấn đề. Chúng ta phải làm thế nào để mỗi DN, HTX và người nông dân hiểu được vì sao phải xây dựng vùng nguyên liệu nông sản lớn, thấy được lợi ích của mình, từ đó đóng góp tích cực, chủ động trong quá trình tổ chức triển khai Đề án...” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
“Việc hình thành các vùng chuyên canh nguyên liệu nông sản lớn là vô cùng cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Nếu không làm được điều này thì mãi mãi chúng ta sẽ phải phụ thuộc đầu ra, đầu vào và chất lượng nông sản cũng khó có thể ổn định để duy trì hoạt động xuất khẩu” – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình. |