Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh sau dồn điền đổi thửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thường Tín đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Triển khai công tác DĐĐT, từ năm 2012, huyện Thường Tín đã chọn xã Nghiêm Xuyên là xã điểm thực hiện. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, xã Nghiêm Xuyên đã hoàn thành công tác DĐĐT với diện tích 450ha chỉ trong vòng 4 tháng. Đến nay, xã đã tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi cho người dân đạt 92%, đồng thời chuyển đổi 160ha sang nuôi trồng thủy sản, 90ha sang mô hình lúa - cá - vịt, cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

 
 Mô hình trồng chuối cho thu nhập cao tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín. Ảnh: Thiên Tú
Mô hình trồng chuối cho thu nhập cao tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín. Ảnh: Thiên Tú
Theo UBND huyện Thường Tín, tính đến thời điểm này, huyện đã thực hiện dồn đổi được 3.956ha, trong đó, tổ chức giao ruộng thực địa cho người dân được 1.705ha. Số hộ có từ 1 - 2 thửa là 25.010 hộ với diện tích 3.604,8ha, còn lại là các hộ 3 thửa, giảm được 86.318 thửa so với trước khi DĐĐT. Trong quá trình thực hiện DĐĐT, nhân dân đã đóng góp, hiến đất làm đường, mương gần 590.000m2. Song song với công tác DĐĐT, huyện đã tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất và công tác phòng chống thiên tai với số vốn đầu tư 251,7 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã cứng hóa được 26% số đường trục chính nội đồng, 22,1km kênh mương;  xây dựng mới 2 trạm bơm, nạo vét 65km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 10,7km đê sông Nhuệ.

Đối với các xã có diện tích dồn đổi xong, huyện tập trung quy hoạch mô hình phù hợp với điều kiện đồng đất địa phương; chủ động đưa các giống cây con mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Cùng với đó, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm như: Sử dụng máy cấy, máy gặt đập liên hoàn trong sản xuất lúa; đưa chương trình "3 giảm 3 tăng" vào sản xuất rau an toàn; trồng khoai tây vụ đông bằng phương pháp làm đất tối thiểu... Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao, như: Chuyển đổi 1.200ha đất ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại VAC; vùng trồng lúa chất lượng cao 800ha; vùng trồng cây rau màu các loại trên diện tích đất bãi 400ha. Huyện cũng đang xây dựng vùng thủy sản tại các xã Nghiêm Xuyên,Văn Phú, Lê Lợi; vùng rau an toàn tại các xã Tân Minh, Thư Phú, Hà Hồi; vùng hoa, cây cảnh tại các xã Vân Tảo, Hồng Vân.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Uông Đức Ngọc cho biết, với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó mũi nhọn là sản xuất nông sản chất lượng, có tính cạnh tranh cao, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao cùng với việc đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo lợi thế vùng quy hoạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần