Dư luận quan tâm liệu DN và các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) sẽ bị xử lý thế nào?
Phải tháo dỡ công trình
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy (Hà Nội) cho hay, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xây dựng 2014, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đều có quy định xử lý, xử phạt đối với vi phạm TTXD, xây vượt tầng.
Theo Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 101 Luật Xây dựng 2014, chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước sẽ bị thu hồi giấy phép xây dựng. Căn cứ theo Điều 118 Luật Xây dựng, việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong trường hợp công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định về TTXD cũng quy định chi tiết xung quanh việc xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Có thể xử lý hình sự
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Hà Nội) cho hay, vi phạm TTXD, xây vượt tầng có thể còn bị xử lý theo Điều 343 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng. “Mức xử phạt này quá nhẹ và ít người bị truy tố về tội này. Trong trường hợp vi phạm thì kể cả công trình đã đưa vào khai thác vẫn phải buộc tháo dỡ, đặc biệt đối với việc xây dựng phá vỡ quy hoạch chung và không đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, cần xác định rõ nếu không có sự tiếp tay và bao che của các cơ quan chức năng thì công trình không thể xây trái phép như thế. Do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm cá nhân của các cán bộ quản lý Nhà nước” - luật sư Nguyễn Danh Huế nêu quan điểm.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện yêu cầu siết lại kỷ cương, TTXD trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP về những vi phạm phát sinh mới và kết quả xử lý 197 công trình còn tồn đọng. Đối với các xã, phường để xảy ra nhiều vi phạm mới hoặc không xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng theo yêu cầu của UBND TP, Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường.