Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xảy ra oan sai vì bệnh thành tích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/3, hàng loạt vụ xét xử có dấu hiệu oan sai, trong đó có những vụ án nổi cộm đã làm "nóng" phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình về vấn đề án oan, sai trong tố tụng hình sự.

5 vụ án đặc biệt, mới kết luận 1 vụ có oan

ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh), ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đi thẳng vào 5 vụ án nổi cộm, nghi có dấu hiệu oan sai, đang được dư luận hết sức quan tâm là vụ Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Nguyễn Văn Nén (Bình Thuận). Các ĐB đặt câu hỏi: "Tại sao khi Chủ tịch nước bác đơn giảm án và chính bị cáo Hồ Duy Hải có đơn yêu cầu thi hành án nhưng vụ việc vẫn kéo dài?", "Tại sao Nguyễn Thanh Chấn kêu án nhiều năm nhưng khi hung thủ thật đầu thú thì hội đồng xét xử mới xem xét lại vụ án?"...
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu. 	Ảnh: TTXVN
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TTXVN
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Với 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng nói trên, hiện, các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết, xem xét rất thận trọng. Cụ thể là xem phần nào đã xét xử đúng, cái gì chưa đúng, đảm bảo nếu oan thì phải kết luận oan, giải oan, nếu có tội thì kết quả phải xác định rõ những căn cứ buộc tội để không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời khẳng định, trên đây đều là những vụ việc của thời kỳ trước, trong đó mới có vụ Nguyễn Thanh Chấn đã kết luận là oan, các vụ khác đều đang xem xét, có thể oan, có thể không. Còn trong nhiệm kỳ này cho đến nay chưa có vụ nào oan sai. 
Sau phiên chất vấn về án oan tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 11/2013), TANDTC đã tham gia tổ công tác liên ngành xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan T.Ư. Cụ thể, các cơ quan đã thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình (chiếm 1,6% số bị cáo có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình từ năm 2012 - 2014). Trong số này, cơ quan tố tụng đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp (có 21 trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị; kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp). Đối với 11 trường hợp còn lại, TANDTC đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đi vào từng vụ án cụ thể, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định: Vụ Hồ Duy Hải (Long An) đang được xem xét một cách thận trọng. Bản án sơ thẩm kết luận có tội. Sang bản án phúc thẩm bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc. Việc kiểm tra sau đó khẳng định quá trình điều tra vụ án này có thiếu sót nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án, nên tòa tuyên tử hình. Chủ tịch nước cũng có quyết định bác đơn đề nghị giảm án của bị cáo. Việc có oan hay không phải căn cứ người có thẩm quyền có kháng nghị hay không, Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao khi đưa ra xét xử mới khẳng định có oan hay không oan. Hiện, bản án đã có hiệu lực và chưa có căn cứ kháng nghị. Lý giải vì sao chưa thi hành án vụ Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Ngoài vấn đề pháp lý cũng cần phải xử lý vấn đề tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận. Mẹ của Hồ Duy Hải có đến TAND tỉnh Long An đề nghị, báo chí dư luận cũng đặt ra vấn đề, sau đó, Chủ tịch nước cũng yêu cầu xem xét lại vụ án này một cách thận trọng một lần nữa.

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, đây không phải vụ án oan. Lý giải việc 2 bị cáo đều phạm tội hiếp dâm trẻ em nhưng Lê Bá Mai (Bình Phước) nhận án tù chung thân trong khi Hàn Đức Long (Bắc Giang) là tử hình, Chánh án Trương Hòa Bình nhận định, đây là vấn đề áp dụng pháp luật: Tội này trong Bộ luật Hình sự, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì khung hình phạt rộng từ 12 - 20 năm đến chung thân và tử hình. Hội đồng xét xử căn cứ tình tiết, thủ đoạn, hành vi, tính chất nghiêm trọng, yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ... và đưa ra quyết định độc lập trong phạm vi khung hình phạt của luật, Chánh án TANDTC cũng không can thiệp được...

Trách nhiệm thuộc về tòa án

Dẫn chứng ra vụ án Phạm Văn Lã (Long An) yêu cầu bồi thường  21 năm qua nhưng các cơ quan địa phương, T.Ư có dấu hiệu đùn đẩy, không thống nhất với nhau, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi về trách nhiệm của Chánh án đến đâu. Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng: Nếu có việc đùn đẩy thì cả 3 cơ quan tố tụng đều có lỗi với dân, làm thiệt hại quyền lợi của người dân, đình chỉ, để kéo dài là sai, cần phải kiểm điểm. Tuy nhiên, còn do quy định pháp luật chưa chặt chẽ. Cho nên cần có cơ quan trọng tài quyết định cơ quan nào phải bồi thường oan sai, còn trách nhiệm thế nào sẽ xử lý sau. Ngoài ra, cần phải sửa Luật Bồi thường Nhà nước.

Trước các câu hỏi về bức cung, nhục hình được đặt ra trong phiên chất vấn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận, có trường hợp sử dụng bức cung, nhục hình, đặc biệt là ở các cơ quan điều tra cấp huyện. Như vụ Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), đối tượng đã có tiền án, cơ quan điều tra thay vì làm đúng quy trình thì do nôn nóng, muốn lập thành tích kết thúc vụ án đã dùng bức cung, nhục hình. Và 5 cán bộ tư pháp Tuy Hòa liên quan đã bị xử lý. Còn các vụ án trên, có bức cung, nhục hình hay không, phải xem xét cụ thể mới kết luận được.

Cùng với đó, giải trình nguyên nhân nhiều vụ án oan sai hoặc có thể dẫn đến oan sai, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, nguyên nhân cơ bản là "chưa tập trung tôn trọng chứng minh sự thật khách quan", trong điều tra vẫn trọng cung hơn trọng chứng cứ. Chưa coi trọng khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, giám định, bảo quản..., nên các thiếu sót chủ yếu tập trung vào vấn đề tố tụng. Cán bộ điều tra cũng còn hạn chế về năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, không tuân thủ quy trình điều tra, thời gian qua có một vài việc là do tư tưởng thành tích, nôn nóng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định: Tất cả các vụ án oan sai, dù sai ở khâu nào, nhưng đã đưa ra xét xử thì trách nhiệm đều thuộc về tòa án, trực tiếp chịu trách nhiệm là thẩm phán và hội đồng xét xử, chịu trách nhiệm tinh thần cao nhất là Chánh án TANDTC.

Giải pháp chống oan, lọt tội mà Chánh án TANDTC đưa ra trong phiên chất vấn là thực hiện tốt tranh tụng tại tòa, phát huy vai trò luật sư tham gia từ đầu. Cùng với đó là nâng cao chất lượng cán bộ ngành tòa án, đủ năng lực tranh tụng và phát hiện sai phạm qua tranh tụng. Đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nâng cao chất lượng cán bộ, vì công lý chứ không vì thành tích.