Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt Hà Nội: Góp phần tích cực xây dựng, phát huy văn hóa giao thông

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại các đô thị lớn như Hà Nội, xe buýt không chỉ là phương tiện vận tải công cộng (VTCC) góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc xây dựng, phát huy văn hóa giao thông.

Người dân đi xe buýt tại trạm trung chuyển Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Vai trò đặc thù
Nhiều chuyên gia cho rằng, xe buýt có vai trò đặc thù trong xây dựng văn hóa giao thông. Bởi mỗi chuyến xe buýt luôn tập trung số lượng người lớn hơn bất kỳ loại phương tiện nào (chưa tính đường sắt đô thị); khi tuyên truyền văn hóa giao thông trên xe buýt, sức lan tỏa sẽ vô cùng mạnh mẽ. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Muốn biến xe buýt thành một kênh tuyên truyền văn hóa giao thông hiệu quả, trước hết cần xây dựng văn hóa giao thông cho chính loại hình này. Mỗi chuyến xe, mỗi người lái xe, nhân viên phục vụ phải thấm nhuần văn hóa giao thông mới có thể lan toả nó đến hành khách”.

Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, việc xây dựng văn hóa giao thông trên xe buýt luôn là nhiệm vụ được đơn vị đặt lên hàng đầu. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt với kỹ năng giao tiếp, ứng xử với hành khách. Đó chính là một trong những bước đầu tiên để xây dựng văn hóa giao thông trên xe buýt. Là loại hình VTCC chủ yếu của Hà Nội, xe buýt đảm nhiệm vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách mỗi năm. “Theo tôi, an toàn, văn minh, phục vụ tận tình, chu đáo chính là những nét văn hóa của xe buýt. Có được những yếu tố đó mới có thể hướng tới xây dựng, tuyên truyền văn hóa giao thông từ xe buýt” - vị này chia sẻ.

Không ngừng nâng cao chất lượng

Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, bồi dưỡng, hiện, mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã có sự thay đổi hẳn cả về chất và lượng. Với 127 tuyến buýt, hơn 1.000 phương tiện, TP đã xóa hoàn toàn “vùng trắng” xe buýt trợ giá, đưa loại hình phương tiện VTCC này đến với mọi địa phương. Lãnh đạo Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng Hà Nội đánh giá: “Chất lượng dịch vụ xe buýt cũng đã có những cải thiện mạnh mẽ, nâng lên một tầm cao mới so với khoảng 20 năm trước. Nhờ đó xe buýt đã thực sự gần gũi, trở thành lựa chọn của đông đảo Nhân dân”.

Đó được xem là nền tảng vững chắc để xe buýt Hà Nội tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng hơn cả, các DN cần chú trọng thường xuyên, liên tục vào việc duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Nhiều năm trở lại đây, danh xưng “hung thần xe buýt” đã không còn được nhắc đến nữa, hình ảnh người lái xe, nhân viên phục vụ cũng đã gần gũi, văn minh, lịch sự hơn. Đó là kết quả rất đáng mừng, nhưng để duy trì được nó trong khi quy mô mạng lưới tuyến, DN, phương tiện, người lao động ngày càng lớn hơn là không hề dễ dàng, đòi hỏi công tác quản lý phải rất sát sao, chặt chẽ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, muốn phát huy vai trò của xe buýt trong xây dựng văn hóa giao thông cần làm tốt hai việc. Thứ nhất là đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, không ngừng trau dồi cả về kỹ năng chuyên môn lẫn giao thiệp, ứng xử, qua đó xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện, văn minh. Thứ hai là phải quảng bá được hình ảnh đó đến Nhân dân. Làm được mà không tuyên truyền, quảng bá được thì khó lòng đạt hiệu quả trong việc thu hút người dân từ bỏ xe cá nhân để đến với xe buýt.
Văn hóa giao thông không chỉ là ý thức khi tham gia giao thông của người dân, mà còn là ý thức sâu sắc về việc hạn chế sử dụng xe cá nhân, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, vai trò của xe buýt trong xây dựng văn hóa giao thông lại càng quan trọng. Xe buýt càng văn minh, hiện đại, thuận tiện càng thu hút thêm nhiều người dân từ bỏ xe máy, ô tô riêng để sử dụng hàng ngày, qua đó góp phần rất tích cực xây dựng văn hóa giao thông.

Tiến sĩ giao thông Đặng Minh Tân