70 năm giải phóng Thủ đô

Xe buýt Hà Nội: nỗ lực nhiều hơn để đồng hành cùng sinh viên

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt hiện vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chính đối với đông đảo người dân Thủ đô, nhất là sinh viên. Tuy nhiên, xe buýt vẫn còn một số bất cập, chưa đáp ứng được mong muốn của nhóm hành khách trẻ, năng động này.

Còn bất cập

Xe buýt từ lâu đã trở thành phương tiện di chuyển phổ biến tại các đô thị lớn như Hà Nội. Với lợi thế giá vé rẻ, chỉ từ 7.000 - 9.000 đồng/lượt, xe buýt được đông đảo tầng lớp Nhân dân lựa chọn làm phương tiện đi lại chính, trong đó có sinh viên.

Bạn Đặng Khánh Linh (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Thương Mại) từng sử dụng xe buýt hàng ngày để đi học, đi làm thêm trong năm đầu đại học vì muốn hạn chế sử dụng xe cá nhân, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Đặng Khánh Linh nhanh chóng nhận ra mình không phù hợp với phương tiện VTHKCC này vì không thể chủ động thời gian di chuyển. 

Dễ xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy khi lên, xuống xe buýt.
Dễ xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy khi lên, xuống xe buýt.

“Khi đi xe buýt, thời gian di chuyển bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khách quan. Hơn nữa, thời gian chờ xe cũng khá lâu, nhiều khi rất vội, nhưng xe buýt không thể đi nhanh, làm mình lỡ việc” - bạn Đặng Khánh Linh nói.

Bạn Đặng Khánh Linh cho biết thêm, đôi lúc tài xế xe buýt chạy khá ẩu, gây nguy hiểm cho cả hành khách lẫn người tham gia giao thông xung quanh. Nhiều tài xế khi đến điểm đón trả khách còn không dừng hẳn xe, khiến hành khách gặp khó khăn khi lên xuống xe, nhất là người cao tuổi hay trẻ nhỏ. 

Tương tự, bạn Phạm Văn Cương (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng có lý do riêng để không sử dụng xe buýt dù chỉ mất 4 - 5 phút đi bộ để đến điểm chờ xe buýt gần nhất. Bạn Phạm Văn Cương nói: “Nhà mình ở ngoại thành, cách trường học gần 20km. Thời gian đầu đi học, mình cũng đi xe buýt tới trường mỗi ngày để tiết kiệm chi phí. Nhưng một thời gian sau, mình cảm thấy khá bất tiện khi phải chuyển nhiều xe do không có tuyến nào đi thẳng tới trường”.

Vì vậy, để có thể chủ động hơn trong việc đi lại, không chỉ riêng Đặng Khánh Linh hay Văn Cương, nhiều bạn sinh viên khác đã lựa chọn phương tiện cá nhân như: xe máy, xe máy điện, xe đạp điện...

Bên cạnh đó, xe buýt còn kém hấp dẫn đối với sinh viên bởi hệ thống điểm dừng, nhà chờ khá bất cập. Trong khi số lượng nhà chờ còn quá ít, nhiều điểm dừng lại biến thành chân rác, hay nằm sát mép đường, kề cận dòng xe qua lại rất nguy hiểm cho hành khách đợi xe buýt.

Bạn Phạm Văn Cương chia sẻ thêm, đa số các điểm chờ xe buýt ở huyện Đan Phượng - nơi bạn đang sinh sống đều không có mái che, người đi xe buýt gặp nhiều khó khăn khi phải chờ xe trong những ngày mưa lớn hay nắng gắt. Không chỉ vậy, nhiều điểm chờ còn khó nhận biết do thiếu bảng hiệu rõ ràng, không có vị trí tách biệt so với lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi đứng chờ xe buýt.

Còn nhiều điểm chờ xe buýt không có mái che, chưa được bố trí ở địa điểm hợp lý. 
Còn nhiều điểm chờ xe buýt không có mái che, chưa được bố trí ở địa điểm hợp lý. 

Trong khu vực nội thành, nhiều điểm chờ xe buýt hiện đang bị chiếm dụng để kinh doanh, bày bán hàng rong gây nhiều bất tiện cho hành khách. Bạn Nguyễn Mạnh Hùng (22 tuổi, Trường Đại học GTVT) phản ánh: “Khu vực chờ xe vốn đã hạn chế, nay lại bị chiếm dụng gần hết bởi quang gánh, bàn ghế nhựa. Sinh viên, hành khách phải đứng chờ xe buýt ở phần vỉa hè không có mái che”

Không chỉ vậy, phần đường dành cho xe buýt dừng đón, trả khách cũng bị lấn chiếm để đỗ xe. Ví dụ như điểm chờ xe buýt trên đường Cầu Giấy, đối diện Trường Đại học GTVT lâu nay vẫn bị taxi và xe ôm công nghệ chiếm dụng. Xe buýt khi đón, trả khách buộc phải dừng giữa lòng đường, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Nâng cao chất lượng toàn diện

Có thể thấy, xe buýt vẫn là phương tiện VTHKCC chính dành cho sinh viên trong nhiều năm tới. Đây là nhóm khách hàng có sự năng động, thành thạo công nghệ thông tin, nhu cầu đi lại rất lớn. Nếu chất lượng dịch vụ và tiện ích của xe buýt được nâng cao toàn diện sẽ thu hút đông đảo sinh viên sử dụng thay thế xe cá nhân.

Do đó, Hà Nội cần có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ để xe buýt trở nên phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của sinh viên. Trước tiên, về cơ sở hạ tầng, cần xây dựng thêm nhiều nhà chờ, có mái che mưa nắng, bảng thông tin rõ ràng để thuận tiện cho sinh viên khi chờ xe buýt. Với các điểm dừng, cần đảm bảo vị trí tách biệt với lòng đường để an toàn hơn; xử lý hành vi lấn chiếm điểm dừng, chờ để kinh doanh, dừng đỗ xe, mở hành lang tiếp cận xe buýt thông thoáng hơn.

Điểm chờ xe buýt tại cổng Trường Đại học GTVT bị chiếm dụng bởi hàng quán kinh doanh vỉa hè.
Điểm chờ xe buýt tại cổng Trường Đại học GTVT bị chiếm dụng bởi hàng quán kinh doanh vỉa hè.

Quan trọng hơn nữa, mạng lưới tuyến buýt phải liên tục được tối ưu, ưu tiên sắp xếp cho phù hợp lộ trình mong muốn của nhóm sinh viên, người lao động; đặc biệt là những tuyến đi thẳng từ ngoại thành đến các trường học trong trung tâm TP. Lịch trình của xe buýt cũng cần được điều chỉnh phù hợp với giờ học, giờ làm thêm của sinh viên, tăng tần suất hoạt động tối đa.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ VTHKCC đã trở thành một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, sự tiện lợi cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi như sinh viên.

Xe buýt Hà Nội hiện đã có hình thức thẻ vé điện tử, tuy nhiên chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có thêm những hình thức thanh toán trực tuyến khác phổ biến trong sinh viên như: ví điện tử, mã QR… Hơn nữa, chưa có vé liên thông giữa xe buýt với đường sắt đô thị, xe đạp công cộng… Để thuận tiện và hấp dẫn với nhóm hành khách trẻ, năng động như sinh viên, TP cần sớm đầu tư một hệ thống thanh toán vé trực tuyến toàn diện, hiện đại.

Một vấn đề khác cũng rất cần được quan tâm là đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm dừng chờ cũng như trên xe buýt. Hiện không ít bạn sinh viên vẫn còn lo ngại về tình trạng móc túi, trộm cắp tại một số điểm dừng chờ xe buýt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xe buýt kém hấp dẫn nhóm hành khách trẻ nêu trên.

Ngoài ra, để xe buýt thực sự trở thành “bạn đồng hành” của sinh viên mỗi ngày, chính những bạn trẻ này cũng cần tự nâng cao ý thức, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong lĩnh vực VTHKCC. Những hành vi chưa đẹp khi đi xe buýt như: chen lấn, xô đẩy để lên xe; hút thuốc lá điện tử; nói to, gây ồn ào… cần sớm được loại bỏ. Sinh viên là nhóm hành khách có trình độ tri thức cao, cần nêu gương để lan tỏa văn hóa giao thông đến mọi tầng lớp xã hội.

Đông đảo sinh viên tại Hà Nội có mong muốn rất lớn, thông qua việc sử dụng xe buýt cũng như các loại hình VTHKCC khác để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Với việc nâng cao toàn diện chất lượng xe buýt, loại hình VTHKCC này sẽ thu hút được lượng khách là sinh viên không nhỏ hàng ngày, hạn chế phương tiện cá nhân một cách hiệu quả và bền vững.