Xe buýt nhanh BRT: Khởi đầu với sứ mệnh đặc biệt

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến nay vẫn còn một số ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của xe buýt nhanh BRT.

Nhưng bằng những con số thực tế, xe buýt BRT đã chứng minh được tính ưu việt cũng như vai trò của mình trong cuộc “cách mạng” xe buýt lần thứ 2 của Hà Nội.

Quá tải giờ cao điểm

Thống kê của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, tính chung 9 tháng đầu năm, xe buýt BRT đã đạt hiệu suất vận chuyển khá cao với 3,6 triệu hành khách, bình quân 13.377 hành khách/ngày, 39,3 hành khách/lượt, ngày cao điểm đạt 17.465 lượt hành khách/ngày. Đáng chú ý là vào các khung giờ cao điểm, buýt nhanh đã bước đầu có dấu hiệu quá tải. Cụ thể, vào khung giờ cao điểm, bình quân xe đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt vận chuyển từ 105 - 115 hành khách. Đại diện Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội nhìn nhận: “So sánh với các tuyến buýt khác, sản lượng hành khách trên tuyến BRT thuộc nhóm có sản lượng vận chuyển cao”. Hành khách của xe buýt BRT tập trung chủ yếu vào giờ cao điểm từ 7 - 9 giờ và 16 giờ 30 - 18 giờ 30, chiếm khoảng 50% sản lượng của cả ngày. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên ổn định, dẫn đầu trong mạng lưới xe buýt nói chung của TP. Có 53,7% hành khách tham gia trả lời khảo sát cho biết đã đi bộ để tiếp cận tuyến BRT trước và sau chuyến đi.

Người dân đi xe buýt BRT tại trạm dừng đỗ Lê Văn Lương.  Ảnh:  Hải Linh

Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT Nguyễn Thủy cho biết: “Sự ủng hộ của Nhân dân Thủ đô là quý giá nhất, là nguồn động lực để anh em chúng tôi hết mình với công việc, mang đến dịch vụ vận tải công cộng với chất lượng cao nhất cho hành khách”. Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Ths Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Sự vượt trội cả về năng lực, thời gian vận hành, lẫn tính tiện lợi của xe buýt BRT đã tác động tích cực đến một bộ phận lớn người dân, khiến họ từ bỏ các phương tiện cá nhân, áp lực giao thông trên tuyến cũng nhờ đó mà giảm đi rất nhiều”.

Còn nhiều trăn trở

Bên cạnh những thành công đạt được, các đơn vị quản lý, vận hành cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc bảo vệ không gian lưu thông riêng của tuyến buýt BRT 01. Theo Quyết định của UBND TP Hà Nội về phương án tổ chức giao thông, dọc tuyến buýt BRT 01 cấm tuyệt đối việc dừng đỗ phương tiện để tạo hành lang giao thông thông thoáng. Thế nhưng vẫn có rất nhiều xe dừng đỗ trên tuyến, đặc biệt là ven đường Giảng Võ, Láng Hạ. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến không gian lưu thông dọc tuyến buýt BRT vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt. Ông Đàm Quang Cộng (Hà Đông) cho hay: “Suốt dọc đường tuyến buýt BRT, chỗ nào cũng thấy xe cộ dừng đỗ tràn lan, gây cản trở giao thông. Hiện tượng đi lấn làn BRT diễn ra phổ biến, nhất là trong giờ cao điểm. Vậy nhưng, theo tôi thấy, lực lượng chức năng điều tiết, hướng dẫn giao thông trên tuyến tỏ ra khá lơ là việc nhắc nhở người vi phạm”.

Quả thật, bất chấp quy định về làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT cũng như những nỗ lực tuyên truyền, vận động thời gian qua, hàng loạt phương tiện cá nhân, đặc biệt là mô tô, xe máy, vẫn đua nhau lấn làn, gây cản trở xe buýt BRT lưu thông. Ghi nhận dọc lộ trình tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, chỉ trong một vài tiếng đồng hồ, phóng viên đã chứng kiến hàng trăm trường hợp cố tình đi vào làn của xe buýt nhanh BRT. Thậm chí nhiều xe còn “thản nhiên” đi vào hoặc dừng chờ đèn đỏ trên phần đường của buýt BRT bên trong dải phân cách cứng trong khi xe buýt BRT “chôn chân” ngay sau lưng. TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) nhận định: “Muốn triển khai xe buýt BRT có hiệu quả thì các quy định về bảo vệ không gian lưu thông của nó phải được thực hiện nghiêm túc. Sự nửa vời, buông lỏng cũng đồng nghĩa với việc hạn chế hiệu quả thực sự của xe buýt BRT”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần