Xe công nghệ phải gắn mào như taxi?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến, hoạt động của loại hình vận tải Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi.
Như vậy, nếu được thông qua, các ứng dụng gọi xe điện tử như Grab, Go-Viet... sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống và toàn bộ các phương tiện đối tác hiện kết nối phần mềm điện tử sẽ phải gắn phù hiệu “Xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định; phải có hộp đèn với chữ “Taxi” gắn cố định trên nóc xe.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với báo chí, một số chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào phân khúc tiếp ứng vận tải như mô hình của Grab có thế mạnh là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại, xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra đề xuất kết nối giữa hành khách với phương tiện gần nhất, hoặc đề xuất hiệu quả với mức giá. Điều này giúp hành khách và người lái xe tiết kiệm thời gian trong các cuộc trao đổi về giá cả, đồng thời góp phần tiết kiệm điều tiết giao thông vận tải trong giờ cao điểm.

Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi. Bởi, khi phải thực hiện theo các yêu cầu mà Bộ GTVT vừa trình thì các daonh nghiệp như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên... Tất cả chi phí sẽ được DN áp vào giá thành, triệt tiêu lợi ích của cả DN và người tiêu dùng, đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ.