70 năm giải phóng Thủ đô

Xe dịch vụ náo loạn đường phố Thủ đô

Phạm Công - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn xe đưa đón cán bộ, học sinh, taxi … dừng đỗ tùy tiện, thản nhiên vi phạm luật giao thông đang diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội. Đặc biệt dịp cận Tết, khi áp lực giao thông tăng cao, những chiếc xe này càng khiến đường phố chồng chất thêm gánh nặng ùn tắc.

Nghênh ngang dừng đỗ

Hà Nội đang phải chật vật ứng phó với áp lực giao thông tăng cao từng ngày. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khu vực nội thành là tình trạng xe đưa đón cán bộ, học sinh, taxi, xe hợp đồng công nghệ… nghênh ngang dừng đỗ nơi có biển cấm, chạy ẩu, lấn làn.

Giáp Tết Nguyên đán, khi áp lực giao thông của Thủ đô càng trở nên nặng nề, hệ lụy từ những chiếc xe kinh doanh dịch vụ càng rõ nét và gây bức xúc trong dư luận hơn.

Xe 29 chỗ mang BKS: 34B - 009.91 chở học sinh của Công ty CP thương mại Việt Trung ngang nhiên dừng đỗ ngay dưới chân biển cấm để trả khách. 
Xe 29 chỗ mang BKS: 34B - 009.91 chở học sinh của Công ty CP thương mại Việt Trung ngang nhiên dừng đỗ ngay dưới chân biển cấm để trả khách. 

Ghi nhận cho thấy, trên những trục đường chính như: Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trường Chinh, Giải Phóng... xe kinh doanh dịch vụ là một trong những tác nhân chính gây nghẽn dòng phương tiện cục bộ, tạo nên nhiều nguy cơ mất ATGT nghiên trọng.

Bám theo xe 29 chỗ mang BKS: 34B - 009.91 chở học sinh của Công ty CP thương mại Việt Trung, phóng viên Kinhtedothi đã ghi nhận được hoạt động dừng đỗ, trả khách thường xuyên tại khu vực có biển cấm.

Chiếc xe có lộ trình qua các tuyến đường: Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương, Láng, Trường Chinh, Giải Phóng, Kim Đồng…  Trên suốt lộ trình, chiếc xe này liên tục luồn lách, chèn ép, cắt mặt dòng phương tiện phía sau để ghé vào trả khách bất cứ đâu, thản nhiên bất chấp sự khó chịu của người tham gia giao thông bên cạnh.

Xe 45 chỗ của Công ty TNHH du lịch Tre Việt, mang BKS: 29B - 031.77 có lộ trình thường xuyên lưu thông các tuyến phố nhỏ hẹp.
Xe 45 chỗ của Công ty TNHH du lịch Tre Việt, mang BKS: 29B - 031.77 có lộ trình thường xuyên lưu thông các tuyến phố nhỏ hẹp.

Thậm chí chiếc xe của Công ty CP thương mại Việt Trung còn không ngần ngại “đứng” chiếm hết làn đường rẽ phải để chờ đèn đỏ; hoặc dừng luôn tại tim đường, mở cửa cho một học sinh lao xuống giữa dòng xe đang ào ạt di chuyển xung quanh.

Ông Phạm Tuân Thành (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: “Nhiều xe đưa đón học sinh đang đi rồi bất ngờ tấp vào lề đường, khiến người tham gia giao thông bị giật mình. Nếu không tránh kịp là sẽ xảy ra va chạm, vô cùng nguy hiểm”.

Tương tự, xe hợp đồng của công ty TNHH dịch vụ và vận tải Kim Phát mang biển kiểm soát 29B -103.69, hàng ngày hoạt động trên địa bàn quận Hà Đông cũng phớt lờ luật giao thông.

Đường Nguyễn Xuân Nguyên bị biến thành bãi đỗ của hàng chục chiếc xe hợp đồng loại 45 chỗ thuộc Công ty TNHH du lịch Tín Nghĩa. 
Đường Nguyễn Xuân Nguyên bị biến thành bãi đỗ của hàng chục chiếc xe hợp đồng loại 45 chỗ thuộc Công ty TNHH du lịch Tín Nghĩa. 

Chiếc xe có lộ trình quen thuộc qua nhiều tuyến đường như: Nguyễn Trãi, Trần Phú, Nguyễn Văn Lộc, Vũ Trọng Khánh, Tô Hiệu, Văn Khê… Cứ khởi hành là liên tục tạt té, cắt mặt làn phương tiện để dừng đỗ, đón trả khách như thể đang đi trong sân nhà mình. 

Hay như chiếc xe 45 chỗ của Công ty TNHH du lịch Tre Việt, mang BKS: 29B - 031.77 có lộ trình thường xuyên lưu thông các tuyến phố nhỏ hẹp như: Lưu Hữu Phước, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tuân… Chẳng những dừng đỗ bừa bãi, nhiều thời điểm chiếc xe này còn liên tục đi sang làn ngược chiều, khiến cả tuyến đường rơi vào ùn tắc, hàng dài phương tiện không thể di chuyển, gây bức xúc cho người dân.

Khi chờ đợi, nhiều xe 45 chỗ của Công ty TNHH du lịch Tre Việt còn tập kết, xếp thành hàng dài, chiếm hết toàn bộ một chiều của tuyến đường Trần Văn Cẩn (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Gần khu vực đó, đường Nguyễn Xuân Nguyên bị biến thành bãi đỗ của hàng chục chiếc xe hợp đồng loại 45 chỗ thuộc Công ty TNHH du lịch Tín Nghĩa. Những xe mang BKS: 29B - 414.96, 14B - 033.60, 29B -1202, 29B -163.54, 29B - 315.91… ngày ngày chiếm nửa mặt đường, nằm lì bất chấp gây cản trở giao thông.

Thách thức lớn với lực lượng chức năng

Theo thống kê, chỉ tính riêng xe hợp đồng chở học sinh, trên toàn địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.519 phương tiện. Trong số này, có đến hơn một nửa là xe cỡ lớn loại từ 29 - 45 chỗ ngồi. Những phương tiện này hoạt động chủ yếu vào giờ cao điểm tất cả các ngày làm việc trong tuần.

Nhiều xe 45 chỗ của Công ty TNHH du lịch Tre Việt còn tập kết, xếp thành hàng dài, chiếm hết toàn bộ một chiều của tuyến đường Trần Văn Cẩn.
Nhiều xe 45 chỗ của Công ty TNHH du lịch Tre Việt còn tập kết, xếp thành hàng dài, chiếm hết toàn bộ một chiều của tuyến đường Trần Văn Cẩn.

Bên cạnh đó áp lực giao thông ngày một tăng cao, hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải oằn mình cõng thêm một lượng không nhỏ xe chở cán bộ, công nhân viên, taxi, xe hợp đồng công nghệ (Grab, Xanh SM).

Đáng nói, nhiều phương tiện hoạt động kiểu bất chấp, ngó lơ các quy định của pháp luật, tranh thủ những nơi, những lúc vắng bóng lực lượng chức năng để bắt khách, luồn lách gây náo loạn đường phố.

Chị Lê Thúy Nga, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Vào giờ cao điểm hàng ngày, những chiếc xe hợp đồng chở công nhân viên và học sinh làm khổ biết bao người. Họ tạt ngang, tạt dọc để đón khách vô tội vạ. Đường đã hẹp lại toàn xe to ra vào liên tục, khiến cả khu phố nhà tôi bị ùn tắc”.

Nhiều tài xế xe taxi, xe công nghệ… như: Mai Linh, Thanh Nga, Xanh SM, G7… cũng chạy bát nháo, thờ ơ với mọi quy định về giao thông. Có lúc những chiếc xe này ngang nhiên lấn làn, tạt đầu, cắt mặt hàng phương tiện để di chuyển, có lúc lại dừng đỗ, nằm lì hàng giờ, thậm chí đi lùi trên đường một chiều để đón khách.

Nhiều tài xế xe taxi, xe công nghệ cũng chạy bát nháo, thờ ơ với mọi quy định về giao thông.
Nhiều tài xế xe taxi, xe công nghệ cũng chạy bát nháo, thờ ơ với mọi quy định về giao thông.

Đáng nói nhất là những tuyến đường có mật độ giao thông cao, hay ùn tắc, và mới dỡ bỏ lệnh cấm với xe hợp đồng dưới 9 chỗ như: Láng Hạ, Lê Văn Lương, Giảng Võ... đã ngay lập phải gánh chịu hệ lụy nặng nề từ cung cách hoạt động bất chấp luật lệ nêu trên.

Anh Nguyễn Quốc Bảo, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Hàng ngày, tôi di chuyển qua tuyến đường Lê Văn Lương, ùn tắc diễn ra rất nghiêm trọng vào giờ cao điểm trong đó có tác nhân rất lớn là xe taxi, grab, kể cả xe taxi điện của Xanh SM”.

Vi phạm phổ biến của loại hình này là: Bịt làn rẽ phải, điền vào chỗ trống, chắn cả làn xe máy, dừng đỗ bất chấp biển cấm, vắt chéo giữa lòng đường đón trả khách, còi inh ỏi hoặc giương đèn pha gây khó chịu cho xe phía trước để cố vượt...

Trong một lần theo chuyến tuần tra cùng Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội,  chỉ ít phút đã có thể ghi nhận được hàng chục xe taxi, xe hợp đồng công nghệ vi phạm, bị xử phạt các lỗi như: dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt, không chấp hành biển báo, đèn tín hiệu giao thông…

Thượng úy Phạm Đình Thanh - Cán bộ đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Tình trạng xe taxi, xe hợp đồng dừng đỗ, tạt ngang, tạt dọc, lấn làn trên tuyến đường Láng Hạ, Giảng Võ diễn ra khá phổ biến không chỉ, gây ùn tắc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Đơn vị chúng tôi thường xuyên tuần tra, xử phạt, nhưng nếu không có biện pháp mạnh, đặc biệt là với DN chủ quán, sẽ khó lòng chấm dứt được vi phạm”.

Thượng úy Phạm Đình Thanh cho hay, trong đợt cao điểm cuối năm, lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên trục đường để hạn chế tình trạng xe kinh doanh dịch vụ vận tải vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.