Gây nhiều bức xúc
Vừa qua, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội có ý kiến phản ánh đến các cơ quan quản lý, nội dung liên quan đến hoạt động của những chiếc xe thuộc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên (hãng xe Interbus Line), trong đó, đề cập đến nhiều vấn đề như: trốn thuế nhập khẩu xe, không chấp hành quy định về kê khai giá cước vận tải, tranh giành khách, làm rối loạn thị trường vận tải.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, với những sai phạm nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm bằng những chế tài mạnh như: đình chỉ hoạt động DN, xử phạt hành chính đơn vị và lái xe hoạt động trái phát luật, truy thu thuế nhập khẩu và số tiền thuế mà DN đã trốn thuế trong thời gian qua.
Cũng liên quan đến bất cập trong hoạt động của xe khách biển số nước ngoài chạy “chui” trên tuyến Hà Nội – Sa Pa, vận tải hành khách liên tỉnh nêu trên, UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở GTVT – Xây dựng Lào Cai chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ và có báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/5.
Mất nhiều ngày ghi nhận, cũng như trải nghiệm thực tế trong vai khách du lịch tuyến Hà Nội – Sa Pa, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã nhận thấy không ít bất cập cũng như đặt ra nhiều câu hỏi.
Cụ thể, sau khi liên hệ đặt vé qua hotline 19001137, phóng viên được yêu cầu chuyển khoản trước với mức giá 400 nghìn đồng/người/ cabin và 660 nghìn đồng/2 người/ 1 cabin.
Việc thanh toán được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản. Đáng nói, thông tin mà phóng viên nhận được là tài khoản của một cá nhân tên Nguyễn Thanh Tùng.
Sau khi thực hiện đầy đủ các bước nêu trên, PV nhận cuộc gọi từ tài xế và được yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân như: họ tên, ngày tháng năm sinh trước khi lên xe. Khác với các xe khách tuyến cố định, hành khách lựa chọn Interbus Lines không được cấp vé, đồng nghĩa, khi xảy ra sự vụ không mong muốn, quyền lợi về bảo hiểm của những hành khách trên xe chỉ bằng con số 0.
Theo giới thiệu trên website, hãng Interbus Lines có tới 13 điểm đón khách trải khắp các tuyến đường Hà Nội. Trước giờ lên xe, tài xế chủ động liên hệ từng người. Cứ như vậy, những chiếc xe mang BKS Lào có đặc điểm là những hình dán lộn xộn bên ngoài, di chuyển qua hàng chục tuyến đường nội thành Hà Nội không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía lực lượng chức năng.
Buông lỏng quản lý?
Đúng theo lịch hẹn đặt xe, 6 giờ 15 ngày 22/5, phóng viên được xe khách mang BKS UN 1526 đón tại ngã tư Linh Đàm. Ấn tượng đầu tiên với chiếc xe giường nằm này là không có thông tin kiểm định bằng tiếng việt (yếu tố để đảm bảo an toàn cho người lái, hành khách và những người tham gia giao thông khác), không phù hiệu hoạt động hợp đồng vận tải theo quy định. Kính xe chỉ dán chữ LAO, cùng hai mảnh giấy ghi bằng chữ Lào.
Trên xe, các cabin đều được dán nền màu hồng, thành xe cũng dán đè đầy những tấm de-cal nhem nhuốc, luộm thuộm. Khi xe vừa khởi hành, sự ọp ẹp trong cabin báo hiệu cho phóng viên về một hành trình đầy mệt mỏi.
Gọi là chạy “chui” nhưng thực chất, chiếc xe khách không tem kiểm định, không phù hiệu rất “nghêng ngang” băng qua những tuyến phố Hà Nội như: Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng, Xã Đàn - Đại Cồ Việt, Triệu Việt Vương, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, Phạm Văn Đồng, Cầu Thăng Long, Võ Văn Kiệt… mà không bị lực lượng chức năng nào kiểm tra.
Trên hành trình này, tài xế liên tục điện thoại báo điểm đón cho hành khách, bên cạnh hành khách người Việt, ghi nhận có cả du khách nước ngoài bước lên xe mà không biết rằng đây là chiếc xe bị bỏ ngỏ về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật cũng như mức độ an toàn..
7 giờ đồng hồ trong hành trình từ Hà Nội tới Sa Pa, không thể chợp mắt vì phải chịu đựng những tiếng cọt kẹt phát ra từ thành xe, bị quăng quật và cảm nhận rõ ràng những thay đổi của mặt đường... Phía đối diện, hai vị khách nước ngoài phải co gối nhường nhau khoang cabin chật hẹp và cũng thức suốt quãng đường 300km.
Có thể thấy, không những coi thường các quy định pháp luật, hoạt động nhập nhèm, hãng Interbus Lines còn xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của hành khách, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng.
Chỉ vì mối lợi nhuận trước mắt, hãng xe này dám đưa những chiếc xe không được giám sát chất lượng lao vun vút trên cao tốc, nguy cơ xảy ra TNGT không hề nhỏ.
Nhưng câu hỏi cần đặt ra là nếu có sự cố, tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản, cơ quan, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm khi công tác kiểm soát đang có dấu hiệu lơi lỏng. Ghi nhận cho thấy, ngay cả khi có mặt lực lượng chức năng, những chiếc xe này vẫn vô tư lướt qua mà không bị kiểm tra, xử lý.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.