Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe đưa đón học sinh, cần điều kiện chặt chẽ

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, xe đưa đón học sinh là một phương tiện rất đặc thù, đòi hỏi độ an toàn cao. Người dân, cha mẹ học sinh mong muốn loại hình vận tải này bổ sung các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh cụ thể với những quy định chặt chẽ.

Xe ô tô đưa đón học sinh cần đảm bảo an toàn, chất lượng. Ảnh: Phương Đan  
Xe ô tô đưa đón học sinh cần đảm bảo an toàn, chất lượng. Ảnh: Phương Đan  

Để phụ huynh yên tâm

Để đảm bảo an toàn cho học sinh di chuyển bằng xe đưa đón của nhà trường, đầu năm học 2022 – 2023, Sở GTVT Hà Nội giao Thanh tra giao thông chủ trì phối hợp với CSGT, Cảnh sát trật tự và chính quyền địa phương tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn TP.

Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện; chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định; yêu cầu các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép phù hợp với loại xe đang điều khiển... Chấm dứt hợp đồng và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe vi phạm.

Thanh tra Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe hợp đồng đưa đón học sinh. Giao Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, phối hợp với lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự và chính quyền địa phương tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn TP; Tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đặc biệt đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Chị Lê Thị Hường có con đang theo học tại trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ, việc TP Hà Nội thực hiện công tác tăng cường kiểm tra xe đưa đón học sinh đã phần nào khiến phụ huynh yên tâm hơn. Chị cũng cho rằng, hoạt động kiểm tra này cũng cần được diễn ra thường xuyên, quyết liệt hơn để tránh những hệ lụy từ xe không đảm bảo an toàn chở học sinh gây nên.

Anh Lê Văn Sơn trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân mong muốn, Hà Nội cũng như các địa phương khác trên cả nước cần thêm nhiều biện pháp thắt chặt công tác quản lý xe đưa đón học sinh để phụ huynh có thể yên tâm như có những quy định, thiết kế riêng đối với loại hình phương tiện này, hay lái xe cũng cần có chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ vận chuyển học sinh…

Trách nhiệm của nhà trường

Theo đại diện Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội, từ đầu đợt tổng kiểm tra phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải TP Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 8 phương tiện đưa đón học sinh, phạt tiền 66.400.000 đồng. Chủ yếu các phương tiện vi phạm lỗi không có hợp đồng vận chuyển.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hà Đông cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT TP Hà Nội, đơn vị chúng tôi thành lập tổ công tác, tích cực kiểm tra, rà soát phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn quận Hà Đông. Chúng tôi tập trung kiểm tra các công ty cung cấp dịch vụ về điều kiện của lái xe như bằng lái, chứng chỉ tập huấn, nghiệp vụ phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn...”.

Theo ông Tưởng Đỗ Hiển, bên cạnh việc kiểm tra thủ tục giấy tờ, lực lượng cũng kiểm tra các điều kiện về phương tiện phải đảm bảo được chất lượng phục vụ, như phải có số ghế, bình cứu hỏa, hộp cứu thương, búa phá kính, camera giám sát hành trình để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi di chuyển hàng ngày.

“Qua kiểm tra, hầu hết xe đưa đón học sinh trên địa bàn quận đều thực hiện tương đối tốt các điều kiện phương tiện, điều kiện người lái đảm bảo việc đưa đón các em học sinh đi đến nơi về đến chốn an toàn. Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tham gia giao thông bằng phương tiện của nhà trường, thời gian tới chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra bất chợt, nhằm mục đích sớm phát hiện vi phạm để xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật” – ông Tưởng Đỗ Hiển thông tin thêm.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, chỉ tính riêng Hà Nội hiện có trên 100 trường trong và ngoài công lập sử dụng xe đưa đón học sinh. Số lượng xe lên tới hàng nghìn chiếc. Đây là loại hình vận tải đặc thù và yêu cầu an toàn ở mức độ rất cao. Tuy nhiên, quy định quản lý hiện nay nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ xe hợp đồng như cấp phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình, thanh, kiểm tra, bởi vậy vẫn xuất hiện phương tiện vi phạm len lỏi vào các trường học để đưa đón học sinh.

Trong khi đó, đại điện lãnh đạo trường liên cấp Marie Curie ông Đinh Công Hữu cho biết: “Hiện nay, toàn hệ thống nhà trường có hơn 100 phương tiện đưa đón học sinh được ký hợ đồng với 10 DN. Về giấy tờ thủ tục đưa đón các cháu học sinh chúng tôi đều yêu cầu đối tác cung cấp đầy đủ như bằng lái, hợp đồng, chứng chỉ nghiệp vụ phòng chống cháy nổ... về phương tiện phải được đạt chuẩn theo quy định”.

Theo ông Đinh Công Hữu, xe chở học sinh còn phải đáp ứng theo đúng quy định mà nhà trường đề ra. Bên cạnh đó, trên mỗi xe, nhà trường đều trang bị đầy đủ camera hành trình, búa thoát hiểm, tủ y tế để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.

 

Cần rà soát và bổ sung các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh với xe đưa đón học sinh thành một loại hình cụ thể, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, việc cần làm ngay là tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý nghiêm đơn vị cung cấp dịch vụ vi phạm. Hiệu trưởng hoặc người đại diện pháp luật của nhà trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón và sự an toàn của học sinh nhà trường.

Thạc sĩ Đỗ Cao Phan