70 năm giải phóng Thủ đô

Xe khách tuyến cố định: Thức thời để tìm đường sống

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiêm túc đánh giá, xem xét lại vai trò cũng như cách thức hoạt động của xe khách tuyến cố định (XKTCĐ) trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, các DN vận tải cũng cần thức thời, chuyển mình nhanh chóng để tìm ra con đường sống cho chính mình.

Bài 1: Loay hoay với thực tại

Bài 2: Trước tiên phải tự trách mình

Xem xét lại quy hoạch luồng tuyến

Trước sức ép từ hàng không giá rẻ, xe khách trá hình, xe tiện chuyến, sự gia tăng phương tiện cá nhân và cả những loại hình taxi, tàu hỏa… quy mô, số lượng của XKTCĐ ngày càng teo tóp. Tình cảnh cung vượt quá cầu diễn ra trên hầu hết tuyến vận tải khách liên tỉnh vừa đẩy DN vận tải vào khó khăn, bế tắc, vừa gây nên nhiều hệ luỵ về trật tự, ATGT, kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng
Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng

Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT và cả các địa phương cần xem xét lại quy hoạch luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh có còn phù hợp với bối cảnh hiện nay hay không?

Ông Vương Văn Kha - nguyên cán bộ Xí nghiệp vận tải Hà Sơn Bình chia sẻ: “Trước đây, XKTCĐ giữ vị thế gần như độc tôn trên hầu hết tuyến liên tỉnh. Mạng lưới sâu rộng, phát triển đến từng huyện xã, giá vé phải chăng đã giúp XKTCĐ dễ dàng vượt lên hàng không, đường sắt. Nhưng nay vị thế đó đã không còn”.

Ông Vương Văn Kha phân tích, thương mại điện tử đã làm thay đổi toàn diện cơ cấu thị trường vận tải khách liên tỉnh. Ngày nay, người dân chỉ cần lên mạng đặt vé, tìm xe, có thể được xe khách trá hình đưa đón tận nhà, hay đi xe ghép, xe tiện chuyến… khiến XKTCĐ trở thành lựa chọn thứ yếu.

Mặt khác, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các loại hình vận tải: Hàng không, đường sắt, đường bộ, cũng như cuộc đua tăng chất lượng, giảm giá vé trong nội tại mỗi loại hình cũng khiến vận tải khách liên tỉnh ngày càng đa dạng, nhiều lựa chọn hơn cho người dân.

Xe khách tuyến cố định: Thức thời để tìm đường sống - Ảnh 1

“Trong bối cảnh đó, cần quy hoạch lại mạng lưới vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô theo hướng gọn và tinh hơn, giảm số lượng, nâng chất lượng, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn đối với các DN vận tải” - ông Vương Văn Kha nói.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với vận tải khách liên tỉnh nói chung và XKTCĐ nói riêng.

“Trước hết là quản lý tốt loại hình xe hợp đồng, xử lý triệt để xe khách trá hình để giữ thị trường lành mạnh. Sau đó phải bắt buộc các DN vận tải kinh doanh XKTCĐ tự nâng cao chất lượng để phục vụ hành khách tốt hơn, chấm dứt nạn chộp giật, “quay” khách để kiếm lời trong không ít DN hiện nay” - ông Vũ Hoàng Chung nói.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh có cự ly dưới 100km, có thể nghiên cứu thay thế XKTCĐ bằng xe buýt. Đây là giải pháp mà nhiều nước phát triển đã áp dụng. Khi XKTCĐ không còn hiệu quả trên những cung đường ngắn nữa, các tuyến buýt kế cận sẽ tiếp nối vai trò của nó với chất lượng dịch vụ tốt hơn, được quản lý chặt chẽ, bài bản hơn.

Trên thực tế, Hà Nội hiện có một số tuyến buýt kế cận đi Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên… nhưng chưa được đầu tư vượt trội về phương tiện, nhân lực, chính sách… Cùng với đó, kết nối từ các khu dân cư đến nhiều bến xe còn chưa thuận tiện, chưa hấp dẫn hành khách.

Nếu có kịch bản kết nối tốt từ khu dân cư đến bến xe, với các tuyến buýt kế cận, trên nhiều cung đường ngắn như Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… xe khách trá hình, xe tiện chuyến chưa chắc đã có thể cạnh tranh được các DN vận tải làm ăn chân chính.

Doanh nghiệp phải thay đổi

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “DN vận tải không thể chỉ trông chờ cơ quan quản lý dọn đường cho mình đi tới. Nền kinh tế thị trường là cạnh tranh, gặp các đối thủ bất chấp luật lệ, DN lại càng phải có sức chiến đấu bền bỉ, có bài bản làm ăn ưu việt hơn, tồn tại, phát triển trước hết bằng chính năng lực của mình”.

Xe khách tuyến cố định: Thức thời để tìm đường sống - Ảnh 2

Vị này dẫn chứng một số thương hiệu XKTCĐ vẫn khẳng định vị thế đỉnh cao trên thị trường rối ren hiện tại như xe khách Văn Minh, chạy tuyến Nghệ An - Nước Ngầm, xe khách Hoàng Hà tuyến Thái Bình - Yên Nghĩa… Sở dĩ các DN này được hành khách ưa chuộng, lựa chọn là do họ đặt lợi ích của hành khách lên hàng đầu, chất lượng dịch vụ tốt, khiến người dân yên tâm, tin tưởng.

Mặt khác, XKTCĐ cần tính toán lại phương án phục vụ, chú trọng vào bốn khâu chính như: Hỗ trợ tiếp cận; giá cả phải chăng, ổn định; phương tiện hiện đại, sạch đẹp; thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.

Cụ thể, các nhà xe cần thiết lập lực lượng xe trung chuyển đưa đón hành khách tận nơi, hoặc tối thiểu phải hướng dẫn đầy đủ lộ trình xe buýt đi - đến các bến cho hành khách. Giá vé ổn định, không tăng bất thình lình khi người dân cần đi lại hơn (như trong các dịp lễ, Tết).

Dù giá vé cao hay thấp, khách đi chặng ngắn hay tuyến dài, đi vào lúc đông hay vắng, thái độ phục vụ phải luôn nhiệt tình, hòa nhã. Xe chở khách phải được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng liên tục, sạch đẹp, an toàn. Đặc biệt các DN vận tải phải từ bỏ tư duy chộp giật, lê la dọc đường, bắt khách khắp nơi, gây phản cảm cho các “thượng đế”.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khuyến khích các DN kinh doanh XKTCĐ cần bắt nhịp ngay với thời đại công nghệ thông tin, thương mại điện tử hiện nay, chủ động quảng bá hình ảnh, thương hiệu để thu hút hành khách.

Đồng quan điểm, ông Vương Văn Kha nhận định: “Bỏ qua kênh quảng bá trên internet là sai lầm mang tính bảo thủ, đáng tiếc nhất của DN kinh doanh XKTCĐ. Đó là nguyên nhân rất lớn khiến họ thất bại trước xe khách trá hình, xe tiện chuyến, taxi, hàng không giá rẻ”.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, không chỉ Bộ GTVT và các địa phương cần xem xét lại quy hoạch mạng lưới vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô, mà chính DN cũng cần phải cân nhắc, định hướng lại việc kinh doanh của mình. Chủ một DN vận tải trên tuyến Hà Nội - Thái Bình (xin giấu tên) bộc bạch: “Quả thực chúng tôi rất bối rối. Tiếp tục chạy sẽ lỗ chồng lỗ, bỏ thì không biết phải chuyển sang chạy đường nào, kinh doanh cái gì”.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương phân tích, khi cung vượt quá cầu, hành khách có quyền lựa chọn, và tất yếu họ sẽ chọn dịch vụ chất lượng hơn. Thực tế là nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh cung đường ngắn đã không còn phù hợp với XKTCĐ nữa. “Các DN vận tải cần cân nhắc nên lay lắt bám trụ hay mạnh dạn từ bỏ, chuyển hướng sang các cung đường khác, thậm chí là loại hình kinh doanh khác”.

Có thể thấy mạng lưới XKTCĐ đang lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Hàng trăm DN giống như những con tàu lênh đênh mất phương hướng trên đại dương. Giờ là lúc Bộ GTVT cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan phải tỏ rõ vai trò “ngọn hải đăng”, mở đường thoát cho các DN, vãn hồi trật tự trên thị trường vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô.

 

"Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều cơ hội hơn, nhưng cũng tạo nên áp lực đào thải khắc nghiệt hơn đối với các DN vận tải. Cần có sự điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý để ổn định, phát triển mạng lưới vận tải khách liên tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững hơn." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung