Xe quá tải đã giảm 80%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với kết quả này các lực lượng chức năng đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương duy trì nhiều giải pháp mạnh để “triệt tận gốc” xe quá tải trong năm 2015.
Một chiếc xe quá tải trên QL6 qua huyện Lương Sơn, Hòa Bình bị cắt thùng - Ảnh: Trần Duy
Một chiếc xe quá tải trên QL6 qua huyện Lương Sơn, Hòa Bình bị cắt thùng.
Bớt nhức nhối

Theo Tổng cục Đường bộ VN, công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) đã đạt được kết quả tích cực, được dư luận xã hội đồng thuận. Ý thức của nhiều lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp (DN) vận tải được nâng lên rõ rệt, tạo lập được môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh. Số lượng phương tiện vi phạm quy định về tải trọng đã giảm hẳn so với trước đây. 

Ông Vũ Đức Hạnh, Chánh văn phòng Ban ATGT, Trạm trưởng Trạm KSTTX Hải Dương cho biết, tỉnh đang kiểm soát hiệu quả xe quá tải nhờ lực lượng chức năng tuần lưu thường xuyên trên đường. “Đây là giải pháp hữu hiệu, xử lý triệt để cả những phương tiện tranh thủ chạy đêm, hay đi đan xen vào các xe không quá tải. Lái xe không biết đi vào đường nào để tránh và có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên phải tuân thủ nghiêm”, ông Hạnh chia sẻ.
 

6 tháng đầu năm, các trạm KSTTX lưu động đã kiểm tra 234.575 phương tiện, phát hiện 25.025 xe vi phạm, hạ tải 9.270 xe với khối lượng 51.467 tấn hàng hóa các loại, tước 9.272 GPLX, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 150 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, các Sở GTVT và các Cục QLĐB đã xử lý 11.196 xe ô tô tải tự đổ vi phạm kích thước giới hạn thùng chở hàng. Trong đó, xử lý cắt tại chỗ 6.058 xe, yêu cầu lái xe, chủ xe tự khắc phục 4.831 xe, giữ tem kiểm định 291 xe.
Theo kết quả kiểm soát xe quá tải của Hải Dương, năm 2014, khi bắt đầu triển khai, tỷ lệ xe vi phạm quá tải trên số xe được kiểm tra chiếm tới 40-60%. Đến giữa năm giảm xuống còn 30%, cuối năm 2014 còn khoảng 24%. Sau khi Nghị định 107 bổ sung, sửa đổi Nghị định 171 với mức xử phạt tăng nặng, đến đầu năm 2015 còn khoảng 18%. Và đến nay, tỷ lệ này ở Hải Dương giảm xuống chỉ còn trên dưới 10%.
Là địa phương khá nhức nhối về tình trạng xe chở quá tải, vi phạm kích thước thùng, những tháng gần đây, TP Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ kiểm soát thùng hàng. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo số liệu của Cục Đăng kiểm VN, đến hết tháng 6/2015, Hà Nội có 4.435 xe tải tự đổ trọng tải trên 10 tấn.

Qua rà soát, hiện nay Hà Nội chỉ còn 3.628 xe. Xe đăng ký sau Thông tư 32 là 559 xe, trong đó có 149 xe vi phạm kích thước thùng chở hàng đã kiểm tra, xử lý xong. “6 tháng đầu năm, Hà Nội đã lập biên bản 2.514 vụ vi phạm tải trọng, thu phạt trên 16 tỷ đồng”, ông Hải nói và cho rằng, việc lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cam kết hết tháng 6/2015 sẽ cơ bản không còn xe quá tải đó là chỉ tiêu phấn đấu chứ không thể khẳng định được là sẽ hết xe quá tải.

“TP Hà Nội tuyên truyền vận động, đồng thời cưỡng chế, xử lý mạnh tay vi phạm chở quá tải nên thời gian qua đã chuyển biến rõ rệt. Nhưng để nói hết ngay xe quá tải thì rất khó vì còn liên quan nhiều đến cơ chế chính sách. Vì mưu sinh nên vẫn còn một số trường hợp hoạt động lén lút, trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng”, ông Hải lý giải thêm.

Dù ở nhiều địa phương, xe quá tải đã bớt nhức nhối, tuy nhiên, ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tình trạng xe quá tải hoạt động lén lút vào ban đêm, né tránh các trạm kiểm tra tải trọng bằng cách đi vào các tuyến đường liên xã, liên huyện vẫn chưa xử lý triệt để. “Một số địa phương có nhiều cảng, mỏ khai thác vật liệu, khu công nghiệp, xe vi phạm kích thước thùng chở vật tư, vật liệu hoạt động nhiều quanh khu vực các công trình xây dựng, khai thác mỏ, khu kinh tế, khu vực cảng như: Hải Phòng, Ninh Bình, Đồng Nai… vẫn khá nóng”, ông Dũng nói.

Vấn đề khác là hiệu quả kiểm tra, xử lý của một số trạm KSTTX còn rất thấp. Tỷ lệ xe vi phạm bị xử lý thấp so với số xe cân kiểm tra xảy ra ở nhiều địa phương. Đơn cử như Hải Phòng chỉ 1,9%, Ninh Bình 4,6%, Hậu Giang 2%... Điều này thể hiện công tác phối hợp, trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ dừng xe chưa cao, gây tốn kém về thời gian, chi phí. Nguyên nhân của hiện tượng trên được ông Dũng cho là do một số nơi, người thực thi công vụ chưa thực hiện hết trách nhiệm. 
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe dưới chân cầu Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: Trần Duy
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe dưới chân cầu Thanh Trì, Hà Nội.
Sẽ xử lý từ gốc

Theo ông Vũ Đức Hạnh, muốn xử lý dứt điểm xe quá tải, hoàn thành mục tiêu cơ bản loại bỏ xe quá tải cần phải làm đồng bộ các giải pháp, tập trung tăng cường xử lý ở đầu mối giao thông là các bến cảng, bến thủy nội địa; phải gắn trách nhiệm của các cảng, bến thủy bốc xếp hàng hóa và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các cảng để xe quá tải đi vào. “Đây là điều mấu chốt, các phương tiện cố tình đi ra đường cũng cần xử lý thật nặng. Nếu cần thiết quy vào hành động phá hoại và tăng chế tài xử phạt”, ông Hạnh đề xuất.

Đánh giá về công tác kiểm soát tải trọng xe trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, số xe quá tải đã giảm khoảng 80%.

Lý giải về hiệu quả kiểm tra, xử lý của một số trạm KSTTX lưu động có tỷ lệ xe quá tải rất thấp, ông Huyện cho rằng: “Tỷ lệ kiểm tra thấp thực tế chỉ tồn tại một số thời điểm. Một số trạm xử lý chưa triệt để nhưng chỉ là tức thời. Nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam có tỷ lệ kiểm tra thấp, chúng tôi sẽ nghiên cứu, nếu thấy không cần thiết có thể bỏ trạm”. 

Những tháng cuối năm, các lực lượng chức năng sẽ tăng số trạm kiểm soát tải trọng và đẩy nhanh lắp đặt trạm cân điện tử tại các trạm thu phí để tiến hành phạt nguội. Khi xe đi qua trạm thu phí nếu phát hiện vi phạm quá tải sẽ báo cho doanh nghiệp của các tỉnh có xe vi phạm chở quá tải. “Tổng cục Đường bộ VN cũng sẽ đồng bộ các trạm kiểm soát tải trọng ở các tỉnh để điều phối phù hợp, hiệu quả hơn. Cùng đó, các lực lượng chức năng sẽ giám sát chặt các trạm KSTTX, tăng cường kiểm tra đột xuất vào ban đêm để xử lý các xe “vua” cố tình chống đối”, ông Huyện khẳng định.

Liên quan đến việc kiểm soát tại các cảng bốc dỡ hàng hóa, ông Huyện cho biết sẽ làm gắt hơn, phát hiện vi phạm sẽ xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh. “Đầu vào và đầu ra của nguồn hàng cũng sẽ được quản chặt. Các Ban QLDA, các nhà thầu tiếp nhận xe quá tải chở vật tư vào công trình, đầu ra nhận hàng là các công trình xây dựng, công trình giao thông cũng sẽ được tập trung xử lý”, ông Huyện nói và cho biết tới đây sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định 171 theo hướng nâng mức phạt ít nhất là gấp đôi so với hiện nay để tăng sức răn đe. Xe chở quá tải từ 100-150% có thể sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng. Tới đây, khi sửa Luật Giao thông đường bộ, các cơ quan chức năng sẽ đề nghị bổ sung hành vi tái phạm chở quá tải 150% phải xử lý hình sự.

“Với nhiều giải pháp mạnh, triệt từ gốc đó, tôi tin tưởng hết năm 2015 sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng xe chở quá tải”, ông Huyện khẳng định./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần