Đây là những điều thực sự sẽ diễn ra trong một TP thông minh: Mọi ổ gà trên đường phố sẽ được gia cố lại ngay trước khi các vết nứt kịp xuất hiện nhờ một thuật toán dự đoán; các chuồng vật nuôi công cộng được trang bị camera giám sát và điều hòa nhiệt độ nhằm cung cấp cho mọi người một nơi trông thú cưng khi họ đang bận việc; nếu tài xế đỗ quá lâu trên các tuyến phố chính thì một cảm biến sẽ được báo về cho cảnh sát để tự động xuất vé phạt...
Và trong những tháng gần đây thì Kansas City đã trở thành nơi hội tụ của nhiều công ty công nghệ với mục đích tìm kiếm một nơi để thử nghiệm các ý tưởng trên, dự báo sẽ biến nơi đây trở thành một phòng thí nghiệm sống cho dự án đô thị thông minh. Kansas đang hướng đến việc hiện đại hóa TP khi xem công nghệ là công cụ chính để phát triển mọi mặt, bao gồm việc cải thiện hệ thống trường học và chất lượng không khí hay nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông.
"Mục tiêu của chúng tôi là khiến những người đã chỉ nghĩ về cảnh những con bò trên các đồng cỏ dại trước khi đến đây sẽ phải suy nghĩ lại sau khi rời đi", thị trưởng TP Kansas Sly James nói.
Kansas chỉ là một trong số hàng trăm TP lớn, nhỏ trên toàn nước Mỹ đã thông qua hoặc bắt đầu lên kế hoạch cho các dự án TP thông minh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang chỉ ra những rủi ro đáng ngại với mục tiêu tích cực này, đặc biệt là vấn đề an ninh và hiệu quả tài chính.
Một số thị trưởng TP của Mỹ đã thừa nhận rằng họ vẫn chưa định hình được các trách nhiệm theo sau việc thu thập hàng tỷ bit dữ liệu của người dân. Chẳng hạn như ở Kansas, mối lo ngại đã gia tăng khi TP này chuẩn bị mở rộng thử nghiệm công nghệ từ khu vực trung tâm sầm uất đến các khu dân cư nghèo hơn trong TP. Việc mở rộng sẽ mang lại những dịch vụ không dây miễn phí cho các hộ gia đình, nhưng cũng đồng nghĩa với việc có hàng tá camera giám sát cũng như hệ thống phát hiện súng đạn trong khu vực. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng rằng với một nhiệm vụ được coi là tư duy tiến bộ, TP có thể sẽ trao quá nhiều quyền kiểm soát cho các công ty tư nhân và tiết lộ đời sống riêng tư của cư dân khi mà chưa lường trước được mọi hậu quả.
Chính quyền TP Seattle năm vừa qua đã bắt đầu tháo dỡ một mạng lưới camera giám sát và thiết bị không dây từng được cảnh sát coi là quan trọng trong việc chống tội phạm sau nhiều phàn nàn cho rằng nó làm giảm khả năng bắt sóng của điện thoại di động. Báo động hơn khi TP Atlanta đã ghi nhận dấu hiệu của bọn tội phạm công nghệ cao với việc tin tặc từng đột nhập vào mạng lưới tòa thị chính năm 2018 và yêu cầu tiền chuộc để mở khóa.
Các chuyên gia vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự án thông minh của các TP khi chỉ ra các tiềm năng lớn, chẳng hạn như chương trình thực tế tăng cường có thể giúp lính cứu hỏa tìm thấy những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà đang cháy một cách dễ dàng. Tuy nhiên tính hiệu quả của nhiều kế hoạch đắt đỏ lại chưa thực sự cao như kỳ vọng.
Trở lại trường hợp của Kansas, khi phần lớn tiến bộ của TP này đầu xuất phát từ một quyết định vào năm 2011 rằng nó sẽ là khu vực đô thị đầu tiên có được Google Fiber - một dịch vụ truyền hình và internet cực nhanh. 5 năm sau, mục tiêu này đã được tiếp nhận bởi gã khổng lồ công nghệ Cisco Systems. Vào thời điểm đó, Kansas đang đào một rãnh dưới con phố chính dành cho một tuyến xe điện. Cisco đề xuất với chính quyền tận dụng ngay lỗ hổng trên đường phố đó để tạo cho TP một đường cáp quang và cảm biến điện tử giúp giám sát giao thông.
Cột đèn giao thông tại trung tâm TP Kansas được trang bị công nghệ tự phát hiện người đi bộ đang chờ băng qua đường. |
Theo lập luận của Cisco, các cảm biến này sẽ giúp tòa thị chính nắm bắt mọi hoạt động của TP mà không cần quá nhiều camera một cách phô trương. TP từ đó đã xây dựng 25 trạm dọc theo tuyến đường xe điện dài khoảng 3,5km để cung cấp thông tin du lịch và lắp đặt wi-fi công cộng. Đáng nói, Kansas đã phải vay phần lớn 3,7 triệu USD chi phí cho kế hoạch này, bên cạnh 7 triệu USD đóng góp bởi công ty quản lý mạng Sprint và khoản đầu tư 5 triệu USD từ Cisco.
Hiện tại, chính quyền TP Kansas đang giám sát gần như mọi thứ xảy ra dọc theo con phố chính đối với cả xe hơi, người đi bộ và chỗ đậu xe, với hệ thống không dây đã được sử dụng bởi 2,7 triệu người dân nhưng kết quả mang lại còn khá khiêm tốn. Mặc dù các cảm biến được liên kết với tín hiệu giao thông nhưng người tham gia giao thông vẫn chỉ tiết kiệm trung bình khoảng 37 giây trong việc đi lại của họ, hay thuật toán dự đoán vị trí tội phạm thu từ các cuộc gọi 911 vẫn chưa thể làm giảm các cuộc tấn công trong TP.