Lương hưu của nam thấp hơn nữ 11,25%
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất quy định, mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Như vậy, cùng thời gian đóng BHXH 15 năm nhưng lao động nữ có mức hưởng lương hưu là 45% thì lao động nam chỉ có 33,75%; chênh nhau 11,25%.
Góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, do cách tính lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%)...
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần xem xét giữ lại quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như Luật BHXH năm 2014 hoặc có phương án để cách tính lương hưu có tính chia sẻ nhằm hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này bảo đảm cuộc sống.
Theo quy định của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), người lao động được hưởng tối đa 75% lương hưu khi nam đóng BHXH đủ 35 năm, nữ 30 năm. Lao động nam đóng BHXH 20 năm, nữ 15 năm thì được hưởng lương hưu tối thiểu 45%; như vậy chênh nhau 5 năm. Trong khi đó, Bộ luật Lao động quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi, chênh nhau 2 tuổi.
Vì vậy, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho rằng, khi thiết kế chính sách BHXH, nhất thiết phải tuân thủ quy định về độ tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động. Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, chỉnh sửa lại tổng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nam là 32 năm, thay vì 35 năm như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định; lao động nữ là 30 năm. Thời gian đóng BHXH tối thiểu để được mức hưởng lương hưu 45% đối với lao động nam là 17 năm thay vì 20 năm; lao động nữ là 15 năm. Quy định như vậy là phù hợp và công bằng, đồng thời thống nhất với quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tại Bộ luật Lao động.
Nghiên cứu phương án giảm chênh lệch tỷ lệ hưởng lương hưu
Bộ LĐTB&XH đã làm rõ về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan thống nhất tiếp thu theo hướng thống nhất với Chính phủ là kế thừa quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu đã được quy định tại Luật BHXH năm 2014.
Riêng cách tính lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì có điều chỉnh so với dự thảo Chính phủ trình (tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25% cho một năm đóng) nhằm cải thiện tỷ lệ hưởng lương hưu của đối tượng này (theo dự thảo Chính phủ trình Quốc hội thì lao động nam nghỉ hưu có 15 năm đóng tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%) và cũng góp phần giảm bớt chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu so với lao động nữ có thời gian đóng tương ứng. Cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, thiết kế cụ thể để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ cho biết, cơ bản thống nhất về nguyên tắc việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm. Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, thiết kế phương án chỉ áp dụng đối với đối tượng hưởng theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trao đổi về việc lao động nam và nữ cùng có số năm đóng BHXH như nhau nhưng mức hưởng lương hưu khác nhau, TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH thuộc BHXH Việt Nam cho rằng, xu thế chung trên thế giới, thời gian đóng BHXH của lao động nam và nữ đều được tính toán như nhau; không có sự phân biệt giới tính với quan điểm “đóng góp như nhau thì phải hưởng thụ như nhau và đóng góp khác nhau thì hưởng thụ khác nhau”. Ở nước ta, việc điều chỉnh chế độ hưu trí cũng từng bước đi theo xu hướng đó. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải có lộ trình để không tạo ra sự khác biệt quá lớn cho người hưởng lương hưu ở những thời điểm nghỉ hưu khác nhau, giữa nam và nữ.
“Nếu giảm số năm đóng BHXH của lao động nam xuống 15 năm được hưởng tỷ lệ 45% lương hưu thì vô hình chung lao động nam chỉ cần đóng đủ 30 năm đã hưởng đủ 75%; trở lại với quy định cũ và bằng với lao động nữ. Ở nước ta, do tập quán để lại, người phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong gia đình, nhất là việc sinh đẻ và nuôi dạy con nhỏ nên lao động nữ tham gia BHXH 30 năm được hưởng mức lương hưu 75% bằng với lao động nam đóng BHXH 35 năm là điều dễ chấp nhận” – TS Phạm Đình Thành nhấn mạnh.