|
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX năm 2019. Ảnh: Quang Vinh. |
Cụ thể, theo Nghị định 40/CP/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/CP/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, bên cạnh việc giảm tỉ lệ phần trăm phiếu đồng ý của hội đồng từ 90% xuống 80% trong đợt xét tặng này, còn xem xét đến trường hợp đặc biệt như ưu tiên cho nghệ sĩ lớn tuổi và những nghệ sĩ có cống hiến lớn trong sự nghiệp nghệ thuật.
Trước những quy định “cởi mở” hơn, nhiều nghệ sĩ bày tỏ niềm vui nhưng cũng có không ít trăn trở về việc vệ việc danh hiệu bị bão hoà khi số lượng nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhiều hơn những năm trước, do những thay đổi trong quy định. Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTT&DL) Phung Huy Cẩn cho biết: “Hội đồng xem xét, đánh giá xét tặng danh hiệu là những người có chuyên môn. Họ sẽ khách quan trong công tác xét tặng, tôn vinh đúng chuẩn tài năng, công hiến của các nghệ sĩ. Đối với những trường hợp đặc biệt, họ đều là những người đã không còn xa lạ với Hội đồng, những thành tích, cống hiến của họ Hội đồng đều biết. Vì thế, Thủ tướng mới ban hành quy định cho các trường hợp như vậy, được quy định rõ trong Nghị định 40/2021/NĐ-CP”.
Chưa tâm phục khẩu phụcSau khi tìm hiểu về những quy định mới trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, giới nghệ sĩ vẫn còn nhiều tâm tư. Phần lớn các nghệ sĩ cho rằng, NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng, do đó chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc, không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng những danh hiệu này. Trao đổi với phóng viên, NSND Trung Anh chia sẻ: “Trước đây, nghệ sĩ có 2 huy chương vàng thì được xét tặng NSƯT, 2 huy chương vàng nữa thì được NSND. Tuy nhiên, có nhiều nghệ sĩ giỏi nhưng họ không tham gia các hội diễn. Đơn cử như nghệ sĩ Quốc Khánh các kỳ hội diễn không tham gia, hoặc tham gia ở vai phụ. Nhưng có nghệ sĩ mới ra trường, may mắn có vai diễn, khi tham được huy chương vàng ngay. Như thế, so sánh về tài năng rất khó. Nên, tôi cho rằng, tiêu chí về huy chương không thực sự chính xác”.
Có nghệ sĩ cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, những năm trước đây nghệ sĩ rất khó để đạt được danh hiệu NSND, NSƯT. Khi đạt được danh hiệu này, đứng bên các nghệ sĩ gạo cội nhiều khi thấy “ngại ngùng”. “Đợt nào xét tặng danh hiệu cũng có chuyện này, chuyện nọ, không đợt nào là không có. Lắm người, tôi thấy rất xứng đáng như Quốc Khánh, Chí Trung. Tuy nhiên, tôi thấy có người không đâu vào đâu, nhưng họ quan hệ tốt, biết luồn lách lại được. Điều này khiến nghệ sĩ có cảm giác, danh hiệu bị giảm đi và coi thường” – một nghệ sĩ chia sẻ.
Bên cạnh những ý kiến của các nghệ sĩ, dư luận cũng có nhiều băn khoăn về việc nhiều nghệ sĩ những năm trước không đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu nhưng năm nay lần đầu tiên thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu lại “xếp hàng”, lọt vào trong danh sách xét tặng. Đơn cử như trong danh sách của Sở VH&TT Hà Nội có một vài nghệ sĩ đã lớn tuổi, nghỉ hưu sớm do vấn đề sức khỏe, vài năm trở lại đây không co nhiều cống hiến cho nghệ thuật nhưng lại góp mặt ở danh sách NSƯT. Nếu căn cứ trên tiêu chí “trường hợp đặc biệt” theo Nghị định 40 ở khoản c, điều 8 “Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc” và “tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ chính trị lớn của địa phương, đất nước” thì các nghệ sĩ này sẽ khó để đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, trong danh sách xét tặng danh hiệu năm nay, nhiều gương mặt trẻ, chưa thực sự xuất sắc nhưng vẫn nằm trong đội ngũ nghệ sĩ được xét tặng NSND. Vẫn biết rằng đợt xét tặng mới qua vòng cơ sở, sẽ còn vòng cấp Bộ và cấp chuyên ngành xong mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng. Tuy nhiên, công chúng mong muốn, danh hiệu là việc đánh giá mức độ cống hiến của người này so với người khác nên cần thận trọng và công minh, tránh tình trạng công nhận theo số lượng mà giảm chất lượng.