Xét tuyển theo học bạ có thực chất?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2016 - 2017, nhiều trường đại học (ĐH) chọn tuyển sinh theo cách xét học bạ THPT.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cách làm này chưa chắc đã tuyển đủ chỉ tiêu, mà thương hiệu của trường còn bị ảnh hưởng.

80% chỉ tiêu xét theo học bạ

Xét tuyển theo học bạ là cách làm “mới nổi” của mùa tuyển sinh năm nay. Điển hình là ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội sẽ dành 50% chỉ tiêu để tuyển sinh căn cứ vào kỳ thi THPT quốc gia và 50% xét theo kết quả học tập THPT, áp dụng cho tất cả các ngành. Còn ở ĐH Lâm nghiệp, ông Cao Quốc An - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Trường sẽ xét tuyển theo học bạ ở một số ngành đặc thù mà những năm trước khó tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng lại dễ xin việc. Cụ thể là ngành Chế biến lâm sản, Lâm sinh, Kinh tế nông nghiệp, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật công trình xây dựng… Trường áp dụng tiêu chí đầu vào có điểm trung bình năm học là 6,0 theo tổ hợp môn xét tuyển”.
Thí sinh nộp hồ sơ ứng tuyển tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh nộp hồ sơ ứng tuyển tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Tính sơ bộ, năm nay, trong số 124 trường ĐH khu vực phía Bắc có tới 37 trường xét tuyển theo học bạ THPT. Nhiều trường năm ngoái tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia nay cũng chuyển hướng. Như ĐH Thái Nguyên có 7 trường và khoa thành viên xét tuyển theo học bạ THPT cùng với 2 phương thức khác. Đáng lưu ý là có những trường "hot" cũng xét tuyển theo học bạ. Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, Học viện Tài chính điều chỉnh đề án tuyển sinh 2016. Trong số 4.000 chỉ tiêu tuyển sinh, trường xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập THPT lên tới 50%, số còn lại tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia.

Điều đáng nói, trong khi chất lượng giáo viên đang báo động vì trường sư phạm không tuyển được người giỏi vào học, thì một số trường đào tạo ngành sư phạm cũng tham gia xét tuyển theo học bạ. Đơn cử là ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT 40% trong tổng số 1.000 chỉ tiêu; ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh 40% chỉ tiêu, ĐH Tây Bắc 50% chỉ tiêu.  Và không có gì khó hiểu khi nhiều trường ĐH địa phương và ngoài công lập chọn phương thức tuyển sinh theo học bạ với tỷ lệ chỉ tiêu rất lớn: ĐH Nguyễn Trãi: 80%, ĐH Thành Đông: 80%, ĐH Lương Thế Vinh: 80%, Thành Tây: 60%...

Đầu vào chỉ là một yếu tố?

Nhiều người cho rằng, chất lượng đầu vào khi xét tuyển theo học bạ không thể bằng tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội lại có quan điểm khác: “Theo tôi, quá trình là quan trọng, nhưng điều cốt yếu vẫn là thời gian đào tạo ở trường ĐH như thế nào. Đầu vào chỉ là một trong nhiều yếu tố khẳng định chất lượng đầu ra, cho nên chúng ta đừng quá nặng nề việc này”. Ông Cao Quốc An – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp còn cho rằng, bây giờ có tới hàng trăm trường xét tuyển theo học bạ thì không có gì phải lo lắng. Nhất là khi đề án tuyển sinh riêng có sử dụng kết quả học tập THPT được Bộ GD&ĐT cho phép, có nghĩa Bộ muốn giảm áp lực thi cử cho các trường và thí sinh. Ở nước ngoài hiện nay, xét tuyển theo phương thức này đã phổ biến, ta cũng nên theo.  

Đồng quan điểm với ông An, nhưng Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH top đầu vẫn có nghi ngại khi xét tuyển theo học bạ. Vị này phân tích, nếu hệ thống giáo dục của ta trung thực 100% từ lớp 1 đến lớp 12, thì việc xét tuyển theo học bạ tốt hơn thi tuyển. Vì xét tuyển là cả quá trình, còn thi tuyển là thời khắc làm bài, có thể làm tốt hoặc không. Với tình hình hiện nay, việc xét tuyển theo học bạ không loại trừ khả năng có thí sinh năng lực tiếp thu kém, nhưng điểm học rất đẹp. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, xét tuyển theo học bạ sẽ làm giảm thương hiệu của nhà trường. Thế nhưng, các trường thực hiện phương thức này lại khẳng định thương hiệu của nhà trường được thể hiện chủ yếu ở đầu ra. Quan trọng là số sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành học, được DN và được xã hội ghi nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần