Xét xử đại án tại Trustbank: Sai sót thời gian trên biên bản lấy cung là… nhỏ!

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh trong phần đối đáp với tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo, luật sư bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan vụ án.

Ngày 28/5, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) tiếp tục diễn ra.

Viện đề nghị HĐXX bác bỏ hầu hết ý kiến của luật sư!

Có tất cả 79 vấn đề của luật sư, bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nêu ra nhưng bị đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX bác bỏ gần hết! Về ý kiến thay HĐXX vì vụ án này có 3/5 thành viên từng ngồi xử vụ Phạm Công Danh và tại vụ án đó đã ra quyết định khởi tố vụ án này, nay xử sẽ không khách quan. Đại diện Viện KSND cho rằng, trong vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn I) HĐXX khởi tố vụ án là khách quan, đúng luật, không có quy định nào quy định thành phần HĐXX khi quyết định khởi tố vụ án sẽ không được ngồi xét xử vụ án đã khởi tố. Do đó, ý kiến của các luật sư không có căn cứ.

Đối với vi phạm tố tụng của điều tra viên (ĐTV), kiểm sát viên (KSV) khi lấy lời khai hỏi cung sai về thời gian lập biên bản, có số trùng lắp, có chỗ trùng nội dung… qua kiểm tra nhận thấy có những sai sót nhưng chỉ là sai sót hình thức, không phải sai sót nội dung. Việc sai sót trên không vi phạm nghiêm trọng tố tụng!
Các bị cáo tại tòa
Về ý kiến của luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa bị cáo Hứa Thị Phấn), đối với việc Viện KSND không chấp nhận chứng cứ do luật sư cung cấp tại tòa ngày 16/5 (USB chứa đoạn ghi âm và 48 trang rã từ ghi âm) là trái quy định và tước quyền cung cấp chứng cứ của luật sư, thể hiện sự không minh bạch, trong khi chứng cứ này có thật…, đại diện Viện KSND, nói: “Chúng tôi không chấp nhận là đúng quy định pháp luật vì USB của luật sư thu thập không đảm bảo quy định tại điều 88 và 105 Bộ luật TTHS 2015. Luật sư Thơ cho rằng nhận USB từ bà Phấn từ tháng 4/2017, đến ngày 21/5/2017 bà Phấn trở bệnh, ngày 25/5/2017 luật sư được cấp chứng nhận bào chữa, đến 31/5/2017 bà Phấn không còn đủ sức khỏe. Như vậy, từ khi nhận USB đến khi được cấp chứng nhận bào chữa, luật sư không cung cấp cho cơ quan điều tra (CQĐT), luật sư cũng cho rằng không tin tưởng Viện KSND Tối cao vì ngày 26/1/2018 đã khiếu nại nhưng không được giải quyết. Vậy suốt quá trình điều tra đến khi hồ sơ chuyển sang tòa và có quyết định xét xử là hơn một năm nhưng luật sư không giao nộp cho tòa. Trong khi USB đó không có chức năng ghi âm, được chép từ nguồn nào, có ngụy tạo không? Do đó, chúng tôi bác bỏ toàn bộ ý kiến của luật sư Thơ về chứng cứ này”.

Về số tiền nợ của nhóm Phương Trang là bao nhiêu? Đại diện Viện KSND tiếp tục bảo lưu quan điểm là trên 3.936 tỷ đồng. Không chấp nhận ý kiến của Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng (CBbank) yêu cầu Công ty CP Đầu tư Phương Trang (nhóm Phương Trang) trả trên 27.000 tỷ đồng gồm gốc và lãi. Đối với ý kiến của nhóm Phương Trang về lãi suất phát sinh của số tiền trên 3.936 tỷ, chỉ được tính đến ngày 29/2/2012. Tuy nhiên ngày 9/9/2016, HĐXX vụ án Phạm Công Danh mới khởi tố vụ án này nên đề nghị của luật sư nhóm Phương Trang không được chấp nhận.

Luật sư đề nghị hoãn tòa để làm rõ nợ của nhóm Phương Trang

Bổ sung cho tranh luận của mình, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đều đề nghị HĐXX hoãn tòa nhằm làm rõ các khoản nợ thật của nhóm Phương Trang với Trustbank. Luật sư Trương Vĩnh Thủy, đưa ra hàng loạt chứng cứ để chứng minh số 3.936 tỷ đồng mà Viện KSND bảo lưu là mâu thuẫn.

“Biên bản làm việc ngày 14/3/2012, gồm: Bà Hứa Thị Phấn, Ngô Kim Huệ, ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang), Phạm Đăng Quan, Nguyễn Bá Triều. Có nội dung: Công ty Trường Vỹ nhận tiền mặt thực tế sau khi phát hành trái phiếu là 132,8 tỷ đồng. Cuối biên bản còn ghi thêm: Anh Phạm Đăng Quan có nhận thêm 210 tỷ, chưa quyết toán, sẽ được quyết toán sau trong số 2.000 tỷ đồng. Cái này nằm ở bút lục 006478, và đây là bằng chứng thật chứ không phải giả”, luật sư Thủy khẳng định.

Luật sư Vĩnh Thủy còn trưng ra các công văn mà nhóm Phương Trang xác nhận đã nhận 132,8 tỷ đồng và lãi là 38,62 tỷ đồng tính đến ngày 29/2/2012 (trái phiếu Trường Vỹ) và xác nhận số nợ là 9.434 tỷ đồng (nợ lãi trong và lãi ngoài). Trong các văn bản này cũng ghi đã nhận 4.523 tỷ đồng và tiền lãi thực tế phải trả cho khoản trên là 1.059,76 tỷ đồng. “Cộng con số 4.523 tỷ với 1.059,76 tỷ thành 5.549,46 tỷ. Lấy 5.549,46 tỷ trừ 9.434 tỷ còn 3.851,24 tỷ đồng. Đây là những chứng cứ bằng văn bản có giá trị cao hơn chứng cứ lời khai, là những cái có trước ngày khởi tố vụ án và được 4 người ký tên là ông Nguyễn Hữu Luận, Nguyễn Bá Triều, Phạm Đăng Quan và bà Võ Thị Thu Hồng”, luật sư Thủy nói.

“Chúng tôi mong HĐXX quan tâm xem xét vì các chứng cứ trên đã được 4 cá nhân Phạm Đăng Quan, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Như Thường, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh vay và thừa nhận đã tất toán và đây là bút lục được ĐTV ký xác nhận ngay góc. Vì vậy, các bằng chứng này không thể nào nói khác hơn vì phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên phải được chấp nhận”, luật sư Thủy nói thêm.

Cũng theo luật sư Vĩnh Thủy, về số tiền 3.936 tỷ đồng nhóm Phương Trang xác nhận tại tòa, HĐXX và Viện KSND cho rằng CQĐT đã làm rõ, nhưng vấn đề đặt ra nếu xét xử trên hồ sơ thì diễn biến tại phiên tòa để làm gì? Phiên tòa này công khai, mọi chứng cứ, tình tiết đều được đưa ra để xem xét. “Số liệu này xuất hiện từ khi CQĐT vào cuộc. Số liệu thứ 2 là số tiền thực nhận của nhóm Phương Trang từ Trustbank theo thừa nhận của lãnh đạo nhóm Phương Trang thông qua các văn bản mà chúng tôi trình HĐXX là 4.523 tỷ đồng, cộng 132,8 tỷ đồng trái phiếu đến 2014 vẫn còn. Vậy số liệu của CQĐT và số liệu này cái nào chính xác? Đến nay không có một sự đối chiếu về sự khác biệt của 2 số liệu này. Còn số liệu thứ 3 xuất hiện tại tòa do chúng tôi trình bày trên cơ sở tổng hợp sổ nhật ký quỹ của Công ty Phương Trang, báo cáo thuế, báo cáo tài chính của nhóm Phương Trang do CQĐT thu thập tại Công ty Phương Trang với số tiền từ 82 khoản vay là hơn 8.500 tỷ đồng. Cả 3 số liệu này khác nhau, vậy số liệu nào đúng? Chúng tôi nghĩ sẽ thuộc về HĐXX”, luật sư Thủy, lập luận.

Viện KSND đề nghị HĐXX xem xét tuyên hình phạt hợp lý

Đại diện Viện KSND cho rằng trong vụ án này có tới 21/28 bị cáo là nữ, có con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, giữ vai trò thứ yếu, nên đề nghị HĐXX trước khi tuyên án cần xem xét hình phạt hợp lý cho từng bị cáo.

Về đề nghị không hủy kê biên 114 bất động sản (BĐS) để khắc phục số tiền 3.581 tỷ đồng (giai đoạn I và II vụ án Phạm Công Danh); đề nghị khởi tố thêm tội đối với Hứa Thị Phấn về hành vi lừa đảo của bị án Phạm Công Danh và các luật sư. Đại diện Viện KSND cho biết tiếp tục đề nghị kê biên 114 BĐS để xử lý trong giai đoạn sau của vụ án này, Viện KSND cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT khởi tố trong giai đoạn sau của vụ án.

Đối với yêu cầu giải tỏa kê biên tài sản của ông Trương Công Bình và ông Trương Đoàn Quốc Dũng, Viện KSND đề nghị HĐXX tách ra để 2 cá nhân này với nhóm Phương Trang kiện dân sự. Các đề nghị thu hồi những khoản tiền từ dòng tiền được căn cứ là vật chứng của vụ án để khắc phục hậu quả cho CBbank, Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm.