Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử giai đoạn 2 đại án VNCB: Kỷ lục những con số

Bài, ảnh: Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bước qua ngày thứ 10 đã để lại nhiều “ấn tượng” bởi những con số cực lớn về số tiền thiệt hại, số bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bảo vệ, lái xe vay hơn 8.000 tỷ đồng

Sau khi tiếp nhận Trustbank (Ngân hàng Đại Tín) từ bà Hứa Thị Phấn, đến giữa năm 2013 do cần tiền để tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu ngân hàng theo quy định của NHNN nên Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới đi vay tiền của các Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) 1.666,8 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) 4.700 tỷ đồng. Để vay được các khoản tiền của 3 ngân hàng, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới dùng các công ty con (thành lập năm 2012) của Tập đoàn Thiên Thanh do mình làm chủ đứng ra vay vốn và dùng tài sản đảm bảo (TSĐB) của VNCB bảo lãnh cho khoản vay của các công ty.
 Bị cáo Trầm Bê bị áp giải ra xe về trại giam.
Tại tòa, hầu hết “giám đốc", "tổng giám đốc” công ty của Danh khai nhận họ chỉ làm thuê, ăn lương. Đơn cử bị cáo Trần Hiệp, dù mang chức danh thành viên HĐQT VNCB, Giám đốc Công ty Phong Hiệp nhưng chỉ biết ký hồ sơ vay được lập sẵn với số tiền 430 tỷ đồng. Bị cáo Hiệp khai: “Không được tham gia các cuộc họp, là thành viên HĐQT nhưng không có thù lao, chỉ có tên, và không biết trụ sở VNCB nằm ở đâu. Công ty chỉ có mỗi giám đốc, không có nhân viên”.

Tương tự các bị cáo Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Quốc Phú, Lê Văn Tuấn, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Ngọc Thái, Lê Duy Lương… đều là nhân viên bảo vệ hoặc lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh cũng được “phong” làm “giám đốc” để Danh vay hàng trăm tỷ đồng. Các bị cáo đều khai mỗi công ty chỉ có giám đốc, không còn ai khác. Lương mỗi tháng chỉ được 5 - 7 triệu đồng/giám đốc. Trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Công ty Hương Việt ký hồ sơ 3 công ty vay 1.270 tỷ đồng, khai trước tòa chỉ làm lái xe, cán bộ Tập đoàn Thiên Thanh bảo ký thì ký vì lo sợ mất việc.

Trả lãi ngoài hơn 2.760 tỷ đồng

Tại tòa, các bị cáo thuộc Ngân hàng VNCB đều khai nhận sau khi vay tiền của các ngân hàng khác đã dùng để tăng vốn điều lệ và trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát) và con gái Trần Ngọc Bích số tiền lên tới 2.760 tỷ đồng. Để chứng minh lời khai của mình về việc vay tiền để trả lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích, bị cáo Danh luôn chuyển câu trả lời cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) và lời khai của Mai cũng như một số bị cáo khác thuộc VNCB cũng đều thừa nhận vay tiền để tăng vốn điều lệ, trả cho nhóm Trần Ngọc Bích cùng các khoản chi khác.

Ngoài việc phải chi - trả cho những khoản nêu trên, tại tòa các bị cáo còn khai sau khi tiếp nhận TrusBank từ bà Hứa Thị Phấn, ông Danh đã phải trả bà Phấn số tiền 600 tỷ đồng trích từ hơn 1.666 tỷ đồng vay của TP Bank. Lời khai của bị cáo Danh tại tòa cũng được các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB thừa nhận. Theo đó, sau khi nắm sở hữu TrustBank, bà Phấn cấu kết với các cựu lãnh đạo ngân hàng tiếp tục “rút ruột” TrustBank. Từ một ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, dưới thời bà Phấn, ngân hàng này mất luôn vốn và âm vốn vì những thủ đoạn tăng khống vốn.

Tại tòa lần này, bị cáo Phạm Công Danh cũng khai thêm tình tiết mới liên quan Công ty Phương Trang. Theo đó, tại kết luận điều tra về TrustBank mới đây, Công ty Phương Trang chỉ nợ 3.936 tỷ đồng, nhưng bà Phấn ghi nợ TrustBank đến 9.437 tỷ đồng. Bị cáo Danh cũng khai rằng, việc biết con số nêu trên thông qua luật sư và mong HĐXX xem xét. Vì đây là nguyên nhân chính gây ra hậu quả khiến VNCB rơi vào vũng lầy sau khi tiếp nhận TrustBank từ nhóm Hứa Thị Phấn.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh cùng 45 bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tòa án triệu tập 140 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, số tiền thiệt hại lên đến trên 6.126 tỷ đồng; 5 ngân hàng cùng vi phạm quy định về cho vay.