Ngày 18/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử Hoàng Công Lương và những người có tránh nhiệm trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Trong ngày thứ 5 phiên xét xử, HĐXX đã mời các chuyên gia y tế chuyên ngành của Bệnh viện Bạch Mai. Các chuyên gia đã trả lời hàng loạt câu hỏi về chuyên môn trong trường hợp cụ thể ngày xảy ra sự cố.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra nhận xét: "Các bạn đã làm rất đúng. Xin nhắc lại các bạn đã làm rất đúng", khi được hỏi về chuẩn đoán của BVĐK tỉnh Hòa Bình khi xảy ra sự cố và cách cấp cứu trong thời điểm này.
Theo Giáo sư Bình, khi sự cố tức thời đến với người bệnh, nguyên nhân chưa biết thì đó là phản vệ và phác đồ điều trị là giống nhau. Sau đó có thể tùy hướng phán đoán để có phân loại và xử lý khác nhau theo mức độ nặng nhẹ. Các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hòa Bình thời điểm xẩy ra sự cố đã dùng thuốc không sai…
HĐXX tiếp tục trưng cầu ý kiến của chuyên gia về bảo dưỡng, quản lý, kiểm tra, kiểm soát nguồn nước trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khoa có bố trí kỹ thuật viên chuyên trách về nước. Người này có thể là điều dưỡng hoặc là kỹ thuật viên nhưng phải được trưởng khoa phân công.
Ngoài ra, khoa phân công một kỹ sư và một điều dưỡng kiểm tra đồng hồ đo độ dẫn điện, hệ thống nước, đảm bảo an toàn trước khi chạy thận. Tất cả các buổi sáng, kỹ thuật viên bắt buộc phải kiểm tra trước khi vận hành máy chạy thận. Đối với bảo dưỡng màng RO, phải được dùng hóa chất do Bộ Y tế cho phép. Mỗi hóa chất đưa vào sử dụng đều có que thử. Tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ cần có biên bản bàn giao bảo dưỡng hệ thống là sẽ chạy thận và mặc định vấn đề người cung cấp nước RO phải đảm bảo nguồn nước đủ điều kiện…
Đồng quan điểm với Trưởng khoa Thận nhân tạo, giáo sư Đỗ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết liệu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở nước ngoài có kỹ sư về lâm sàng phụ trách kỹ thuật lọc nước, kiểm tra nước, bác sĩ và điều dưỡng không liên quan. Tại Việt Nam, hiện nay chưa có chức danh kỹ sư lâm sàng. Do vậy, tùy từng bệnh viện có sự phân công khác nhau. Khoa Thận nhân tạo chỉ vận hành còn việc bảo hành, bảo trì thì có nhân viên của phòng Vật tư cùng với nhân viên khoa Thận làm đảm nhiệm. Về nguyên tắc, phòng Vật tư bàn giao là chất lượng phải đảm bảo và bác sỹ chuyên môn chỉ vận hành hệ thống để lọc máu…