Xét xử nguyên các lãnh đạo TrustBank: Đất trị giá 178 tỷ, cho vay… 650 tỷ!

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù các bản hợp đồng tín dụng không hợp lệ, ký chưa ráo mực nhưng các bị cáo đã giải ngân 650 tỷ cho 2 công ty do Phạm Công Danh (bị án trong đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB) thành lập. Đây là nhận định của chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank).

Nâng khống giá trị tài sản lên hàng trăm tỷ đồng!
Sáng 2/5, TAND TP Hồ Chí Minh đưa các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc), Lâm Hồng Trinh, Đỗ Hoàng Linh, Ngô Trí Đức (cả 3 nguyên là Phó Tổng Giám đốc TrustBank), Hồ Trọng Thắng (nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng), Trần Thị Hồng Phương (nguyên giám đốc khối kế toán) và Phạm Thị Quỳnh Ngân (nguyên trưởng phòng pháp chế) ra xét xử với tội danh “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
 Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank).
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, tháng 9/2012 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương tái cơ cấu Trustbank (sau đổi tên là VNCB), Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT VNCB) đã chỉ đạo cấp dưới lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền sử dụng. Trong các công ty do Danh lập, có 2 Công ty TNHH Quốc Thịnh và Đại Hoàng Phương vay số tiền 650 tỷ đồng. Để được vay tiền từ Trustbank, Phạm Công Danh đem khu đất “vàng” – sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng), làm tài sản bảo đảm (TSBĐ). Khu đất này theo chứng thư thẩm định giá của Công ty Cổ phần Tư vấn dịch vụ về tài sản, bất động sản (DATC - Bộ Tài chính) có giá trị quyền sử dụng đất là 913 tỷ đồng. Nhưng theo Cơ quan điều tra, chứng thư này sử dụng phương pháp so sánh và thặng dư để định giá. Tuy nhiên, mức giá đưa ra dựa trên quy hoạch xây dựng của khu đất được quy hoạch là khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng…
Cơ quan điều tra cũng khẳng định khu đất sân vận động Chi Lăng vào thời điểm thẩm định giá vẫn chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, dự án cũng chưa có quy hoạch chi tiết và không có hoạt động đầu tư nào trên lô đất này. Gần hai năm sau thời điểm DATC cấp Chứng thư, ngày 4/9/2014, Công ty Cổ phần thẩm định giá Miền Nam xác định lô đất chỉ có giá 178 tỷ đồng. Việc các cán bộ Trustbank ký duyệt cho vay chấp nhận TSĐB là giá trị quyền sử dụng khu đất sân vận động Chi Lăng hình thành trong tương lai là vi phạm pháp luật. Còn theo cáo trạng, việc các nguyên lãnh đạo Trustbank ký cho 2 công ty do Danh lập ra để vay 650 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho chính ngân vàng này số tiền 470 tỷ đồng.
Tất cả bị cáo không nhớ ngày ký giải ngân
Tại phiên tòa, khi được chủ tọa hỏi cáo trạng truy tố có đúng tội? Các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng truy tố đúng. Lý do các bị cáo ký duyệt cho vay do nhận thức kém. Bị cáo Nam cho rằng do tin tưởng cấp dưới nên không cử người ra thực địa khu đất. “Qua phân tích của tòa rong buổi sáng, bị cáo hiểu chứng thư không thực tế. Trong phần vốn góp, bị cáo có 30 tỷ đồng. Trong quá trình bị bắt tạm giam, bị cáo vẫn suy nghĩ mình ký cho 2 công ty của Danh vay nhằm phát triển ngân hàng. Còn trước khi giải ngân, phía Trustbank cũng có văn bản gửi Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước (tổ trưởng Tổ Giám sát tên là Hà Tấn Phước). Khi được đồng ý thì Trustbank mới giải ngân. Và việc giải ngân do Chi nhánh Sài Gòn thực hiện nên bị cáo không biết”, bị cáo Nam nói.
Còn về ngày ký duyệt giải ngân, tất cả các bị cáo đều khai không nhớ, chỉ biết ngày 28/12/2012 khi làm việc với Cơ quan điều tra Bộ Công an. Trước việc các bị cáo không nhớ, chủ tọa khẳng định việc ký 2 biên bản giải ngân là nhằm hợp thức hóa hồ sơ. Về vấn đề này, bị cáo Đức thừa nhận khi đã nộp đơn xin nghỉ việc tại Trustbank, lúc đó ông Nam có nhờ ký hồ sơ, bị cáo có nói mình đã nộp đơn xin nghỉ việc thì không ký nhưng Nam cho rằng cần hợp thức hóa hồ sơ nên ký.
“Bị cáo ký hồ sơ khi đủ yếu tố và khi đã trình Tổ Gíam sát. Bị cáo ký hay không ký cũng không quan trọng nếu Chủ tịch HĐQT không đồng ý cho vay. Khi bị cáo về Trustbank thì thấy ý kiến là biểu quyết chứ không họp. Bị cáo có hỏi thì được trả lời ngân hàng này cho ý kiến bằng cách ghi rõ ý mình vô giấy. Bị cáo nhận thức mình đã sai lầm khi ký vào hồ sơ. Vì không ai có thể ép bị cáo ký. Khi nộp đơn nghỉ, bị cáo đã không còn trách nhiệm”, bị cáo Đức nói.
Tại phiên tòa này, bị án Phạm Công Danhdo đã bị xử lý trong đại án VNCB nên đến tòa với tư cách liên quan. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/5.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần