Xét xử "ông chủ" vàng Phú Cường chuyển lậu 214 triệu USD ra nước ngoài
Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Vàng Phú Cường - Nguyễn Ngọc Phương bị đưa ra xét xử trong vụ án vận chuyển trái phép 214 triệu USD ra nước ngoài.
Ngày 21/4, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án vận chuyển hơn 214 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng) ra nước ngoài. Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Vàng Phú Cường - Nguyễn Ngọc Phương bị đưa ra xét xử về các tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Ông chủ Vàng Phú Cường - Nguyễn Ngọc Phương tại phiên toà. (Ảnh: Võ Nam)
Cùng vụ án, bị can Đinh Thị Diệu Thúy (Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam) bị cáo buộc “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới"; "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Cáo trạng xác định, Nguyễn Ngọc Phương có 7 doanh nghiệp trong nước và 3 công ty tại Hong Kong (Trung Quốc). Nguyễn Ngọc Phương đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới, giữa Việt Nam và Hong Kong với tổng số tiền đi và về là 426 triệu USD, tương đương 9.492 tỷ đồng.
Trong đó, Phương chuyển sang Hong Kong hơn 214 triệu USD và chuyển về Việt Nam hơn 212 triệu USD.
Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương đã câu kết với cán bộ ngân hàng và chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng.
Trong vụ án, bị can Đinh Thị Diệu Thúy, Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam bị cáo buộc giúp Nguyễn Ngọc Phương chuyển 214 triệu USD ra nước ngoài khi nắm nhiệm vụ phụ trách bộ phận kế toán tại hệ thống doanh nghiệp của Phương.
Cụ thể, Thúy phối hợp các nhân viên khác cân đối số tiền cần vay ngân hàng, cần chuyển ra nước ngoài thông qua các hợp đồng tín dụng, hợp đồng nhập khẩu, lên phương án lập khống hồ sơ.
Hồ sơ bao gồm thông tin như mặt hàng mua bán, giá trị cùng điều khoản hợp đồng, thông tin đối tác... Hồ sơ “khống” này sẽ được dùng vay vốn ngân hàng thanh toán quốc tế nhằm giúp Nguyễn Ngọc Phương chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo cáo trạng, giữa năm 2015, thời điểm các khoản vay đến hạn phải tất toán, Phương chỉ đạo Thúy phối hợp làm hồ sơ tất toán các khoản nợ cũ và vay tiếp các khoản mới.
Để làm được việc này, Thúy phải hoàn thiện các bộ hồ sơ nhập khẩu khống. Kết quả điều tra có căn cứ xác định Đinh Thị Diệu Thúy làm giả 9 tờ khai hải quan có xác nhận của Chi Cục hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng KV3 và Cục Hải quan thành phố Hải Phòng.
9 tờ khai này được cung cấp cho ngân hàng để hợp thức hồ sơ thanh toán giá trị phần còn lại của các hợp đồng nhập khẩu; hợp thức hồ sơ thanh toán quốc tế với số tiền hơn 2,6 triệu USD (tương đương hơn 58 tỷ đồng).
Về cách thức làm giả 9 tờ khai nói trên, cơ quan tố tụng xác định Thúy sử dụng phần mềm Excel chỉnh sửa nội dung, thông tin, số liệu của các tờ khai hải quan cho phù hợp với hợp đồng kinh tế đã được lập khống như: Số tờ khai hải quan, ngày đăng ký, số vận đơn, số lượng, tổng trọng lượng (Gross), số lượng container, địa điểm lưu kho…
Sau đó, Thúy lên mạng tải mẫu con dấu của đơn vị hải quan, gồm con dấu của công chức hải quan thực hiện thông quan và con dấu hàng đã đi qua khu vực giám sát. Mẫu con dấu này được chèn vào các bản mềm tờ khai hải quan “khống” do Thúy lập rồi gửi ngân hàng.

Hé lộ thủ đoạn chiếm đoạt tiền từ dịch vụ taxi công nghệ
Kinhtedothi - Ngày 1/4, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Nam Định cho biết đơn vị vừa phối hợp với các phòng nghiệp vụ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) điều tra, làm rõ 3 đối tượng về hành vi lợi dụng hình thức thanh toán trực tuyến trên dịch vụ taxi để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường làm thế nào để chuyển hơn 214 triệu USD ra nước ngoài trái phép?
Được biết, vào ngày 21/4 tới, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ án vận chuyển hơn 214 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng) ra nước ngoài trái phép. Trong đó, Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường bị xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới dùng các thủ đoạn tinh vi để chuyển trái phép hàng nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Vụ án Phúc Sơn: Ai là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều tiền nhất?
Tổng cộng 9 cá nhân bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ trong vụ án Phúc Sơn, đều là những cựu lãnh đạo cấp tỉnh.