Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ án Alibaba: Bị hại của 8 dự án đầu tiên đến tòa

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lịch của TAND TP Hồ Chí Minh, sáng nay (12/12), hơn 1.400 bị hại tại 8/58 dự án “ma” do các bị cáo Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) đến tòa để thực hiện quyền lợi của mình.

Sáng 12/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” do 23 bị cáo thuộc Công ty Alibaba gây ra. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985) được xác định cầm đầu.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm.

Do số lượng bị hại lên tới 6.699 lượt người, nên tòa án phải phân bổ thời gian, số bị hại trong từng nhóm dự án đến tòa để thực hiện phần xét hỏi.

Do phải làm thủ tục kiểm tra giấy tờ tùy thân và thư mời của tòa án, nên nhiều bị hại phải xếp hàng chờ đến lượt vào cổng.
Do phải làm thủ tục kiểm tra giấy tờ tùy thân và thư mời của tòa án, nên nhiều bị hại phải xếp hàng chờ đến lượt vào cổng.

Để có thể xét hỏi hết tất cả bị hại, trong 58 dự án “ma” tại các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận do Công ty Alibaba lập ra, trong ngày 12 - 13/12, tòa án mời 1.418 lượt bị hại đến toà. Các bị hại được mời lần này thuộc 8 dự án: Alibaba Phước Bình Central Park; Alibaba Phước Bình Central Park 2; Alibaba Phước Thái Capital; Alibaba Long Phước Industry; Alibaba Phú Mỹ Central City; Alibaba Phú Mỹ Central City 2; Ali Venice City và Alibaba Phú Mỹ Center City.

Bị hại trong vụ án Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đến tòa ngày 12/12.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 12/12, có rất nhiều người vào tòa cầm theo cả xấp tài liệu, gồm nhiều hợp đồng mua bán đất nền với Công ty Alibaba và các công ty con của công ty này. Một số người khác đem theo hồ sơ, hóa đơn thu tiền mua bán đất nền để bổ sung cho tòa nhằm được đưa vào danh sách bị hại.

Bị hại phải trình giấy tờ liên quan vụ án mới được vào.
Bị hại phải trình giấy tờ liên quan vụ án mới được vào.
Sau khi vào cổng, bị hại trình các hồ sơ chứng từ liên quan.
Sau khi vào cổng, bị hại trình các hồ sơ chứng từ liên quan.

Đến tòa từ sớm, chị Lê Thị Mai (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), nạn nhân trong dự án Ali Venice City cho biết, sau khi bị Công ty Alibaba lừa, vợ chồng chị gần như tan vỡ. Sau đó nhờ gia đình 2 họ khuyên nhủ nên nỗi đau dần nguôi ngoai.

“Đầu năm 2018, nghe một số đồng nghiệp làm chung công ty nói có tiền mua nền đất trong dự án của Công ty Alibaba, nếu mình không xây nhà, để dành đó sau này bán lại cũng có lời. Sau khi tham khảo và thấy tỷ lệ phần trăm do Công ty Alibaba đưa ra, tôi lén chồng rút 400 triệu đồng trong sổ tiết kiệm để mua 2 nền đất. Lúc đó tôi nghĩ, nếu mình không sử dụng, sau 1 năm cho Công ty Alibaba thuê lại, mỗi tháng cũng nhận được lãi 2% trên tổng số tiền đã đầu tư (8 triệu đồng/tháng)” - chị Mai kể lại.  

Bị hại đến toà với cả xấp hợp đồng mua bán đất nền với Công ty Alibaba. 
Bị hại đến toà với cả xấp hợp đồng mua bán đất nền với Công ty Alibaba. 

Sau khi trả 95% tổng số tiền mua 2 nền đất theo hợp đồng, nhưng vẫn không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như không được phía Công ty Alibaba trả lãi. Chị Mai liên tục gọi điện và đến tận trụ sở Công ty Alibaba ở 120 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) để đòi, nhưng không nhận được đồng lãi nào. 

Sau khi sự việc vỡ lở, vợ chồng chị Mai thường xuyên lục đục, những tưởng tan vỡ, nhưng nhờ hai gia đình khuyên nhủ nên đến nay cuộc sống của gia đình chị trở lại bình thường.

Một bị hại trong vụ án Công ty Alibaba được nhân viên tòa án hướng dẫn vào nơi nộp bổ sung chứng từ.
Một bị hại trong vụ án Công ty Alibaba được nhân viên tòa án hướng dẫn vào nơi nộp bổ sung chứng từ.

Tương tự là trường hợp anh Trần Văn Thắng (ngụ đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP Hồ Chí Minh), nghe nhân viên Công ty Alibaba “tỉ tê” nên quyết định dùng 600 triệu đồng để mua nền đất tại dự án Ali Venice City. Đầu tháng 9/2019, sau khi nộp đủ 95% số tiền theo hợp đồng, vợ chồng anh Thắng tới trụ sở Công ty Alibaba để yêu cầu giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì được trả lời công ty tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát dài ngày, khi về sẽ có người giao giấy.

Sau khi được tổ an ninh phía ngoài soát xét giấy tờ, túi xách, bị hại phải trình giấy thêm 1 lần nữa mới được vào bên trong khu vực ghế ngồi có màn hình.
Sau khi được tổ an ninh phía ngoài soát xét giấy tờ, túi xách, bị hại phải trình giấy thêm 1 lần nữa mới được vào bên trong khu vực ghế ngồi có màn hình.

“Lúc đó tôi vẫn tin tưởng, nhưng đến ngày 18/9/2019, đọc báo thấy đăng tin công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh. Lúc đó vợ chồng tôi hoảng hốt nhưng vẫn chưa biết phải làm gì. Qua ngày hôm sau 19/9/2019, trên một số nền tảng mạng xã hội, một số nhân viên Công ty Alibaba vẫn livestreams cho rằng không có việc Luyện bị bắt, nên tôi vẫn bán tín bán nghi chưa làm đơn tố cáo. Phải đến đầu tháng 10/2019, nhiều tờ báo đăng tin ai là nạn nhân của Công ty Alibaba hãy tới Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh nộp đơn tố cáo, lúc này tôi mới gửi đơn” - anh Thắng cho biết.

Nhiều bị hại trong vụ án Công ty Alibaba chụp ảnh lưu niệm với luật sư.
Nhiều bị hại trong vụ án Công ty Alibaba chụp ảnh lưu niệm với luật sư.

Cũng theo anh Thắng, do việc đầu tư được sự thống nhất của 2 vợ chồng, nên không có lục đục hay cãi cọ. “Tôi mong tòa án xét xử công minh và tuyên trả lại tiền cho vợ chồng tôi cũng như những bị hại khác” - anh Thắng kiến nghị.

Trong vụ án này, cáo trạng xác định 23 bị cáo thuộc Công ty Alibaba sử dụng phương thức tinh vi, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đa cấp, dùng đất nền trong 58 dự án “ma” ở các tỉnh, thành để làm mồi nhử. Lấy tiền của người mua sau trả cho người mua trước, người mua sau cùng mất tiền, điều này thể hiện ở hợp đồng có 4 quyền chọn.

 

Trong 23 bị cáo, có 20 bị cáo bị xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Nguyễn Thái Luyện (SN 1985), Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), Trương Thị Hồng Ngọc (SN 1989), Nguyễn Văn Kiên (SN 1981), Bùi Minh Đức (SN 1981), Trần Huy Phúc (SN 1989), Nguyễn Trung Trường (SN 1992), Vi Thị Hiến (SN 1993), Nguyễn Quang Sơn (SN 1985), Nguyễn Trần Phúc Nguyên (SN 1990), Vũ Hoàng Hải (SN 1990), Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1991), Trịnh Minh Pháp (SN 1988), Trang Chí Linh (SN 1991), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992), Đào Thị Thanh Lợi (SN 1994), Nguyễn Lê Hoàng Lan (SN 1991), Võ Văn Trần Quang (SN 1998), Phan Ngọc Nguyên (SN 1994), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, đã bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên 4 năm 6 tháng trong 1 vụ án khác).

2 bị cáo bị xét xử cả 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, gồm: Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Nguyễn Thái Luyện), Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em Nguyễn Thái Luyện). Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995) bị xử tội “Rửa tiền”.